ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-3-24 17:04:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Cởi trói” du lịch Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân mở đầu buổi toạ đàm "Kết nối và hợp tác phát triển du lịch" với nhận định sâu sắc: “Du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, phát triển với tốc độ cao, mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội…

Cà Mau mong muốn được kết nối, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp hợp tác và phát triển, xây dựng các tour, tuyến, liên kết phát triển du lịch giữa Cà Mau với các tỉnh ĐBSCL và với các tỉnh nằm trên tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam của Thái Lan, Campuchia”.

Cuộc toạ đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và gợi mở ra 3 vấn đề, có thể coi là 3 câu "thần chú" để cởi trói và giúp du lịch Cà Mau cất cánh.

Học hỏi và vận dụng kinh nghiệm du lịch

Dù có những thay đổi vượt bậc về hạ tầng du lịch, nhân lực du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch và cơ chế chính sách; Song, du lịch Cà Mau chỉ mới bước những bước đi đầu tiên trên chặng đường làm du lịch chuyên nghiệp. Kinh nghiệm và những bài học về cách làm du lịch chính là điều chúng ta rất thiếu, thậm chí có những vấn đề hoàn toàn mới, khiến không ít người bỡ ngỡ khi vừa tiếp cận. Ông Peerapol Triyakasem, Chủ tịch Vietnam Center in Thailand, Chủ tịch Công ty Du lịch Virgo Solution đã có bài phân tích sâu sắc và những gợi mở tham khảo quý báu về tổng quan du lịch, các chính sách thu hút, phát triển du lịch, kinh nghiệm trong việc kết nối du lịch tại Thái Lan.

Theo ông Peerapol, du lịch Cà Mau nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung có một tương lai phát triển rộng mở, là điểm đến hàng đầu không chỉ của khu vực Đông Nam Á mà còn của thế giới. Chiến lược phát triển đúng, bền vững sẽ tạo cho du lịch một vị thế vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập, phát triển và khẳng định vị thế của quốc gia Việt Nam. Du lịch Thái Lan có những điều kiện tương tự như Việt Nam, nhưng cái khác biệt chính là đã tạo được thương hiệu và lợi nhuận du lịch ở tầm vóc toàn cầu. Thái Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng những kinh nghiệm hữu hiệu trong việc liên kết phát triển.

Là người gắn bó với Việt Nam một thời gian dài, am hiểu và cũng hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Peerapol khẳng định: “Cà Mau có đầy đủ điều kiện để trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam”. Thế mạnh của du lịch Thái Lan không có nhiều điểm khác biệt với Việt Nam ở khí hậu, hình thế địa lý, sản vật. Thái Lan cũng vận dụng các sản vật, ẩm thực, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mua sắm, các sinh hoạt văn hoá truyền thống đặc trưng… để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tiêu biểu như bãi biển Pukhet, một bãi biển đã trở thành điểm đến của du khách toàn cầu hàng chục năm nay. Pukhet không quá nổi bật khi so sánh với các bãi biển hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, Phukhet có cách làm du lịch hoàn toàn khác biệt. Nó đến từ hạ tầng du lịch hoàn chỉnh, các tour tuyến có nhiều sự lựa chọn cho những đối tượng khách du lịch khác nhau, nhu cầu khác nhau, khả năng chi trả khác nhau.

Chuyên gia Thái Lan Peerapol chia sẻ kinh nghiệm du lịch tại Thái Lan với Cà Mau.

Ông Peerapol phân tích, làm du lịch không phải là bán lẻ, mà là bán gói sản phẩm. Không thể thu lợi từ du lịch theo cách làm tự phát, đơn lẻ và không theo quy hoạch. Mà đây là vấn đề Cà Mau nói riêng đang vấp phải. Để mở rộng thị trường du lịch, không cách nào khác là phải truyền thông, phải quảng bá giới thiệu, mà vấn đề này hình như chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, hoặc là tiến hành chưa bài bản, đúng cách. Thái Lan mạnh dạn đăng cai, tổ chức những sự kiện có tầm vóc, quy mô và có sự tham gia của những nhân vật chính trị gia, nghệ sĩ, nhà khoa học danh tiếng, những hãng thông tấn nổi tiếng chuyên về du lịch… điều mà Việt Nam đến nay đã thực hiện, nhưng mức độ chưa nhiều. Phải tranh thủ và nhận được sự ủng hộ của những nhóm người có ảnh hưởng trong xã hội để kéo theo sự quan tâm của cộng đồng, điều này hết sức hiệu quả trong quảng bá du lịch.

Du lịch muốn phát triển nhanh, bền vững phải tìm trúng được 2 loại đối tượng, đó là đối tượng khách hàng chính yếu và hai là khách hàng tiềm năng. Phải vận dụng mọi kênh để thu hút khách, bỏ tư duy hạn định về không gian. Muốn du lịch tốt, phải xây dựng hạ tầng tốt, nhân sự tốt, dịch vụ và sản phẩm tốt. Quy hoạch phát triển du lịch không mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng, dựa vào cộng đồng và huy động nguồn lực của cộng đồng để làm du lịch.

Giao thông là huyết mạch du lịch

Chưa bao giờ vấn đề giao thông lại được đặt ra như là một điều kiện tiên quyết của du lịch chuyên nghiệp tại Cà Mau như hiện nay. Ông Hoàng Thanh Quý, Giám đốc điều hành Hàng không Hải Âu, Thiên Minh Group, nhận định: “Giao thông về Cà Mau còn nhiều hạn chế. Cảng Hàng không Cà Mau quá nhỏ, khai thác chưa hiệu quả”. Ông Minh đưa ra những số liệu khiến mọi người ngỡ ngàng, cảng hàng không với hiệu suất khai thác 200 ngàn khách/năm của Cà Mau chỉ vận hành đạt gần 20% công suất với mỗi ngày 1 chuyến đi - về tuyến TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, đường bộ từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau phải mất từ 5-6 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Còn đối với đường thuỷ, Cà Mau cũng chỉ có những tuyến tàu nhỏ nối với Cần Thơ, chủ yếu để chuyên chở hành khách đi lại chứ không có khả năng phục vụ mục tiêu du lịch và không có đường sắt.

Theo kinh nghiệm của ông Quý, phát triển mạng lưới giao thông là ưu tiên hàng đầu của một quốc gia, một địa phương làm du lịch. Nếu không có giao thông, hoặc giao thông khó khăn, khách thường sẽ không ưu tiên lựa chọn. Trong quá trình hội nhập, phát triển du lịch, đường hàng không là điểm bứt phá để tăng tốc lượng du khách. Tuy nhiên, ông Quý cũng cho rằng, phải tính toán để chủ động trong việc phát triển giao thông hàng không bởi nhiều lý do. Đầu tư hàng không thường tốn kém, cần phải có thời gian, cần phải có chính sách của Nhà nước. Cà Mau cần tính toán trước để tạo mạng lưới giao thông đường bộ, đường thuỷ để sẵn sàng kết nối khi đường hàng không được nâng cấp.

Ở các tour, tuyến du lịch trọng điểm, giao thông phải là tổng hợp các lựa chọn, phát triển đồng đều và tạo ra sự lựa chọn phù hợp cho du khách. Không có giao thông đừng tính toán đến các vấn đề khác của du lịch. Điều đầu tiên là khách phải đến được điểm du lịch, đến một cách thuận lợi, sau đó mới tới chuyện sử dụng các dịch vụ, sản phẩm và tận hưởng du lịch.

Ở khía cạnh khác, ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, gợi ý: “Cà Mau hoàn toàn có thể và chắc chắn có thể gắn du lịch với lợi thế hàng hải”. Bán đảo Cà Mau 3 mặt giáp biển, có những cụm đảo đẹp, hệ thống sông ngòi và bờ biển là ưu thế tuyệt vời để mở ra các tuyến giao thông thuỷ kết hợp du lịch. Ông Huê chỉ ra những sản phẩm du lịch - du thuyền ở nhiều nơi trên thế giới và ở cả Việt Nam. Có thể lấy Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang hay bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ là minh chứng sinh động.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Du lịch được đánh giá qua sản phẩm du lịch, đó là mệnh đề được bà Tạ Thị Tú Uyên đến từ Vietravel nhấn mạnh. Du lịch thu lợi nhuận từ sản phẩm du lịch, đó là điều bà Uyên lưu ý tiếp theo. Không cách nào khác, du lịch Cà Mau phải khẳng định mình trên bản đồ du lịch bằng những sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có. Theo bà Uyên, các sản phẩm du lịch Cà Mau đã sớm hình thành thông qua nhiều nỗ lực của nhà hoạch định chính sách, của cả cộng đồng cư dân, đây là lợi thế hết sức lớn. Thế nhưng, để trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng mang tính chuyên nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện và có sự chọn lọc kỹ càng.
Làm du lịch phải tính đến đối tượng đầu tiên là du khách, nhu cầu của du khách. Bà Uyên băn khoăn về hạ tầng du lịch Cà Mau, riêng về cơ sở lưu trú thì còn thiếu và yếu: “Người ta không có nơi để nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng thì đừng nói đến chuyện sử dụng các dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch khác nhau”. Cà Mau cần cân nhắc đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch chiến lược căn cứ trên điều kiện thực tế về sinh thái - khí hậu, gắn với sản vật, phong tục tập quán, văn hoá truyền thống… Theo đó, các tour, tuyến gắn với hệ sinh thái rừng đước, rừng tràm phải là xương sống, thế mạnh cốt lõi để tạo dấu ấn riêng của du lịch Cà Mau.

Đặc biệt, hệ sinh thái ngập mặn gắn với Đất Mũi Cà Mau là địa điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố để xây dựng những sản phẩm du lịch mũi nhọn của địa phương. Du lịch phải hài hoà giữa các yếu tố giải trí - văn hoá, nghỉ dưỡng - sức khoẻ, mua sắm - tận hưởng… của du khách. Cần có nhiều lựa chọn ở những phân khúc khách hàng khác nhau. Bà Uyên còn tâm huyết với việc tham gia của các công ty, tập đoàn chuyên về lĩnh vực du lịch để tham gia vào thị trường du lịch Cà Mau. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng mà du lịch Cà Mau không thể bỏ qua. Có được sự liên kết, hợp tác của nguồn lực chuyên nghiệp này, quá trình hoàn thiện hạ tầng, nhân lực, chất lượng du lịch của Cà Mau sẽ được đẩy nhanh theo cấp số nhân, cũng với mục tiêu cùng chia sẻ và cùng phát triển.

 Cà Mau có vị trí địa lý đặc biệt, có tài nguyên, có khát vọng và có tâm huyết làm du lịch. Với tất cả, nơi đây không bao lâu nữa sẽ trở thành điểm sáng du lịch của Việt Nam. Rõ ràng, những “thần chú” được gợi mở từ những chuyên gia, những tập đoàn du lịch lớn sẽ là hành trang hữu ích để hiện thực hoá niềm tin ấy./.

Phạm Hải Nguyên

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.