ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-3-24 10:35:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khám phá Hòn Sơn

Báo Cà Mau (CMO) “Nước mắm ngon dầm con cá bẹ/Bởi mê nước mắm hòn em trốn mẹ theo anh”. Không chỉ nổi tiếng với nghề truyền thống làm nước mắm thơm ngon, mà Hòn Sơn còn đang lưu giữ vẻ hoang sơ với nhiều cảnh đẹp đến nao lòng và những câu chuyện kỳ bí về tín ngưỡng dân gian.

Êm đềm Bãi Bàng.

Đón tôi từ cầu cảng đưa về nhà nghỉ, trên đường đi, “thổ địa” Trần Đức Anh tranh thủ giới thiệu sơ nét về Hòn Sơn. Theo Đức Anh, Hòn Sơn trước kia có tên là Hòn Sơn Rái (vì nơi đây có nhiều rái cá sinh sống rồi tự di tản lúc nào không ai biết). Hiện tại, Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Toàn xã có trên 2.000 hộ dân với trên 8.120 khẩu, đời sống người dân chủ yếu là nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản, làm nghề đóng tàu, sản xuất nước mắm…

Thoả thích ăn, chơi

Theo Đức Anh, trên hòn có nhiều bãi biển đẹp như: Bãi Nhà, Bãi Xếp, Bãi Bàng, Bãi Bộ, Bãi Bấc, Bãi Giếng, Bãi Thiên Tuế… Bãi Bàng có phong cảnh đẹp nhất với nhiều cây dừa nghiêng phủ bóng mát xuống bãi cát trắng, trong đó có một cây dừa nằm thoai thoải trên cát, vươn xa ra biển. Tuy nhiên, gần đây cây dừa làm điểm nhấn của Bãi Bàng đã chết một cách khác thường, nhưng Bãi Bàng vẫn thu hút khách đến thường xuyên vì sự tinh khôi, êm đềm và trong lành. Hơn nữa, ở đây có suối Tiên, dòng suối duy nhất có nguồn nước ngọt chảy xuống từ đỉnh Ma Thiên Lãnh.

Chiều xuống, Đức Anh đưa tôi ra Bãi Giếng, nơi tập trung hàng trăm làng bè nuôi cá bớp, cá mú. Tại đây, có thể ngắm hoàng hôn và thưởng thức hải sản ngay trên bè. Chúng tôi ghé vào bè của Hợp tác xã Tiến Đạt, bè duy nhất được cấp phép nuôi đồi mồi làm cảnh phục vụ khách tham quan. Anh Cảnh, quản lý bè, cho biết: “Ở đây ngoài việc nuôi cá kinh doanh, chúng tôi cũng có khoanh khu vực để dự trữ mực, ghẹ, cá chim… phục vụ du khách. Nếu du khách đã mua sẵn thuỷ sản ở nơi khác mang đến, chúng tôi vẫn vui vẻ chào đón, chỉ phụ thu tiền công phục vụ, chế biến với giá hợp lý”.

Tìm hiểu tín ngưỡng tâm linh

Hòn Sơn có 7 đỉnh núi dính liền vào nhau tạo thành đảo lớn với diện tích trên 11.000 m2, trong đó cao nhất là đỉnh Ma Thiên Lãnh (khoảng 450 m so với mực nước biển). Truyền thuyết kể rằng, xa xưa đỉnh Ma Thiên Lãnh là nơi các tiên nữ giáng trần vui đùa và đây cũng là nơi các đạo sĩ, dị nhân tìm đến để tu luyện đạo pháp… Hiện tại, đường lên đỉnh phải băng qua hang đá âm u ẩn chứa sự kỳ bí ngay từ cái tên được khắc trước miệng hang “Mai Dương Kiếm Pháp”, trong hang vẫn còn nguyên một số vật dụng sinh hoạt như: giường, bàn, ghế, giá sách… tất cả đều làm bằng cây rừng. Trên đỉnh có một tảng đá lớn bằng phẳng, xung quanh phong cảnh hữu tình được gọi là Sân Tiên.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, người dân xã Lại Sơn, đời sống của người dân Lại Sơn cũng gắn liền với văn hoá tâm linh. Khu vực Hòn Sơn có chùa Hải Sơn, đình thần Nguyễn Trung Trực, miếu Bà Cố Chủ, dinh ông Nam Hải… nhưng người dân thường nhắc đến với lòng tôn kính và tin tưởng là Bà Cố Chủ, hay còn gọi bà Chúa Hòn. Tương truyền bà tên là Tăng Thị Phú, người đầu tiên khám phá Hòn Sơn và cũng là người giàu có nhất hòn.

Giai thoại về bà rất nhiều, nhưng chung nhất là bà có khả năng dự đoán được mưa bão, biển động hay biển êm nên trước khi ra khơi đánh bắt thuỷ sản, người dân trên hòn thường đến nhờ bà chỉ dẫn, nhờ vậy mà ngư dân luôn trúng mùa, đời sống khấm khá. Một ngày kia, bọn hải tặc Xiêm La (Thái Lan) tìm đến Hòn Sơn cướp bóc, chúng trói bà với những cột đá rồi ném xuống biển, bà qua đời và hiển thánh, luôn theo độ trì cho người dân trên hòn, vì vậy, dân chúng đã lập miếu thờ và gọi là Bà Cố Chủ…

“Nằm trong quần thể các xã đảo ở Kiên Hải, nếu Hòn Tre (trung tâm hành chính của huyện Kiên Hải) đươc ví như “Rùa khổng lồ nổi lên giữa biển khơi”, Nam Du là “Hạ Long phương Nam” thì Hòn Sơn chẳng khác gì “Thiếu nữ quyến rũ khách ngàn phương” đến khám phá những đỉnh đồi với rừng cây nguyên sinh, đắm mình trong làn nước biển trong xanh, hít thở không khí trong lành… khám phá những điều kỳ bí và thưởng thức những món đặc sản của địa phương như: ghẹ, mực nang, gà núi, nhum…”, Đức Anh quyến luyến khi chia tay tôi nơi cầu cảng./.

Mỹ Pha

 

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.