ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-3-24 16:48:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Căn cứ Nhà Hội những năm đánh Mỹ

Báo Cà Mau (CMO) Nhà Hội, một trong những khu căn cứ kháng chiến trên vùng Đất Mũi Cà Mau. Năm 1972, quân dân Nhà Hội đánh biệt kích Mỹ ngay trong căn cứ của mình, đánh với hạm đội nhỏ của Mỹ trên sông. Dù nhiều hy sinh, tổn thất tài sản, quân và dân Nhà Hội quyết chiến đấu đến ngày hoà bình, thống nhất đất nước.

Nhà Hội thuộc xã Tam Giang, huyện Năm Căn. Qua các thời kỳ kháng chiến, Nhà Hội luôn là vùng căn cứ được ta bảo vệ vững chắc. Mỹ xây dựng căn cứ quân sự nổi ở Năm Căn, chúng đưa hạm đội nhỏ vào sông Cửa Lớn, vào các sông rạch để tìm diệt cơ quan cách mạng và Nhân dân. Lúc bấy giờ quân và dân Nhà Hội, các cơ quan Khu Tây Nam Bộ, cơ quan cấp tỉnh, các ban, ngành huyện Duyên Hải (nay là Ngọc Hiển - Năm Căn) xây làng chiến đấu. Rào cản trên các sông rạch, gài chông, mìn, lựu đạn để phòng chống giặc, tất cả luôn trong khí thế chiến đấu và sản xuất.

Căn cứ quân sự Mỹ ở Năm Căn, quận lỵ của giặc ở Hàng Vịnh (Cả Nảy) cách Nhà Hội không quá 8 km nhưng các sinh hoạt của quân dân ta ở Nhà Hội, như hội họp, mít tinh, văn công, điện ảnh phục vụ liên hoan mừng chiến thắng… vẫn diễn ra bình thường. Qua nhiều năm tháng, Nhà Hội luôn là căn cứ an toàn, mặc dù nằm trong tầm đạn giặc.

Sau tập kích Mậu Thân năm 1968, tỉnh sắp xếp lại cán bộ các cơ quan báo chí, tạm dừng hoạt động tờ báo U Minh Anh Dũng do Tỉnh đội Cà Mau lãnh đạo. Tôi chấp hành nghị quyết từ Ban Chính trị Tỉnh đội Cà Mau, biệt phái sang Ban Tuyên huấn tỉnh, phục vụ cơ quan Hội Văn học - Nghệ thuật. Vừa đóng góp cho tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng, vừa phụ giảng lớp hội hoạ tập trung của tỉnh. Đi xuống cơ sở mở lớp đào tạo cán bộ thông tin tuyên truyền cho huyện Duyên Hải, giúp học viên vẽ - kẻ được bích chương, cắt băng, khẩu hiệu, phóng đại tranh cổ động (áp phích), in truyền đơn tuyên truyền ra Nhân dân trong vùng giặc chiếm đóng. Lớp hội hoạ có em Nguyễn Thanh Sơn. Làm thu hoạch em vẽ tàu giặc đang bị quân ta bắn chìm, được Bí thư huyện Duyên Hải Dương Hữu Tình (Tư Tốt) khen: “Tranh của trò Sơn vẽ thể hiện quân giặc bị thua đau, nên treo trên đường chiến lược để phát huy phong trào chiến tranh Nhân dân”. Biết được ý chỉ đạo của Đảng, các học viên chuyển bức tranh cổ động của Sơn đưa đi treo trên ngã ba Kênh 17 Tam Giang, dưới bức tranh các em gài lựu đạn. Hôm sau đoàn tàu giặc từ cửa biển Bồ Đề đi Năm Căn, bọn chúng ghé vào đập phá tranh, lựu đạn nổ làm nhiều tên lính chết và bị thương. Nhân dân vui mừng, Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ cấp giấy khen và tặng thưởng cho các học viên lớp vẽ ở huyện Duyên Hải giết được giặc.

 Buổi sáng mùa thu năm ấy, đám biệt kích Mỹ thâm nhập căn cứ Nhà Hội, có gián điệp dẫn đường, áo quần, mặt mũi chúng hoá trang như chồn, rái. Chúng đi bằng xuồng nhỏ, rời tàu mẹ từ sông Tam Giang, xuôi theo con nước lớn vào Kênh 17, ý định vào Nhà Hội sẽ nổ súng tấn công cơ quan Phụ nữ tỉnh Cà Mau đóng trong lung Cá Trê. Xuồng cập bến, cả bọn lên bìa rừng, chĩa súng vào mục tiêu tiếp cận. Bên kia con lung có nhà má Hai, má Hai bước ra líp lượm (sàn phơi tôm cá), chợt má hét to: “Kìa tụi bây! (má gọi người trong nhà) Giống lính”… Các chiến sĩ Đoàn 962 (bộ đội săn tàu) vừa về trong đêm, ở nhà má Hai, chỉ cách bọn Mỹ hơn 10 m, súng AK, B41, cả thủ pháo dù... lập tức nhằm vào đám lính Mỹ siết cò. Trong con nước lớn đầy, tiếng súng vang cả khu rừng Nhà Hội. Bọn Mỹ như bị trời giáng, chui đầu vào chang đước chĩa súng lên trời bắn hoảng. Cả lũ kéo nhau mang xác chết đồng bọn càn rừng lủi trốn. Bà con cả xóm Nhà Hội đến đông chật nhà má Hai, đồng vỗ tay tán thưởng tinh thần cảnh giác của má. Tốp trẻ chúng tôi tìm theo vết máu của giặc, thu súng đạn và quân dụng chúng vứt vãi trên đường rừng.

 Hơn 1 năm tôi công tác ở địa bàn Duyên Hải, gắn bó với Ban Tuyên huấn huyện, hoàn thành nhiệm vụ mở lớp đào tạo cán bộ thông tin cơ sở. Năm tháng ấy được đi vào vùng có chiến sự, sống với bà con Nhân dân, với đội du kích Kênh 17 Tam Giang. Nhiều lần theo chân anh Tư Quyền (Đoàn 962), bằng ký hoạ, bằng máy ảnh, tôi ghi chép nhiều tư liệu đất nước, con người trên vùng đất biển Cà Mau, những sự việc diễn ra đã đi vào lịch sử. Quân dân Đất Mũi ăn trái mắm đánh tàu giặc, nấu nước mặn lấy mồ hôi để uống trong cơn khát, thời kỳ này người dân Đất Mũi đang ăn cơm cũng bàn chuyện đánh giặc trên sông quê mình.

Năm 1969, quân, dân Nhà Hội xây đền thờ Bác Hồ trong khu căn cứ. (Ảnh tác giả chụp năm 1970).

Sau này về Nhà Hội, nghe ông Đoàn Văn Viên (Năm Nghĩa), Huyện đội trưởng huyện Duyên Hải, cho biết, chỉ tính từ tháng 2/1969-10/1970, suốt 600 ngày đêm đối đầu với chiến dịch Sóng tình thương của Mỹ, quân và dân Đất Mũi - Năm Căn chịu biết bao gian khổ, chiến đấu dũng cảm, hy sinh. Đã đánh chìm, cháy 258 tàu chiến của giặc. Tàu giặc bị đánh chìm trên sông Cửa Lớn nhiều nhất, cùng với hàng trăm lính Mỹ bị nước cuốn đưa ra biển.

Tôi nhớ mãi buổi chiều tháng 7/1972, tiếng trực thăng của Mỹ từ căn cứ Năm Căn mỗi lúc càng gần về phía Nhà Hội. Phát hiện khói bếp dân nấu buổi cơm chiều, 2 trực thăng vũ trang quần đảo vùng trời Nhà Hội. Chúng bắn pháo điểm, rồi đại liên, róc két, cây rừng đổ ngã, sập hầm, nhiều nhà dân bị cháy. Chị Thu Sương, vợ của một đồng chí ở Đoàn 962, bế con mong thoát khỏi đạn pháo. Bị trúng đạn, chị ngã trên đường cầu, tay còn ôm ghì lấy con… Trong căn hầm trú ẩn, tôi vọt ra để cứu con chị, thoát tầm tay nhiều người trong hầm cố giữ tôi lại bởi máy bay giặc đang điên cuồng bắn phá… Gỡ tay chị, tôi ôm thằng bé, tay kia tôi đưa thi thể chị lên đường cầu. Mái tóc người mẹ trẻ cuộn máu nhoà trong nước, trên mặt đất rừng. Cõng thằng bé trên lưng, tôi cố vượt ra tầm đạn pháo, gắng sức lội qua con rạch Nhà Hội. Tôi giao bé cho bà Ngô Thị Thanh (Ba Thanh), Hội trưởng Phụ nữ huyện Duyên Hải, các chị chăm sóc và đặt tên là Bé Ngoan.

Gần đến 23/10, ta chuẩn bị kỷ niệm ngày truyền thống mở đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường huyền thoại, bọn giặc càng lo sợ bị tấn công. Chúng đưa quân phục kích theo các vàm rạch, nơi cán bộ và Nhân dân ta thường qua sông. Về phía ta, tuy không hiệp đồng chiến đấu nhưng lực lượng săn tàu ở các xã Viên An Đông, Viên An Tây, Tam Giang, Đất Mũi, của huyện Duyên Hải cùng các bộ phận của Đoàn 962 đã có mặt đón đánh tàu giặc, một thế trận được trải dài trên hai bờ sông Cửa Lớn.

Sáng hôm ấy, anh Tư Quyền (người chỉ huy) cùng các chiến sĩ, lực lượng du kích Kênh 17 ra vàm kênh Chủ Điềm (bờ sông Cửa Lớn) nguỵ trang lại công sự được bố trí hôm qua, cho ngày mai có thể chiến đấu. Nhìn sang bên kia vàm rạch Bàu Công về hướng Năm Căn hơn cây số có vệt đen như tàu giặc, anh Tư Quyền lập tức đi kiểm tra. Tôi quảy máy ảnh lội theo và nói: “Để tôi đi, về báo cáo, anh Tư ở lại với anh em”. Dọc bờ sông đầy dấu đạn bom, trường học, nhà dân bị giặc đốt mấy lần, chất độc huỷ diệt rừng, còn lại những cây khô. Vệt đen bên kia sông đúng là tàu giặc, đám lính lao xao như đàn kiến… Tôi vừa quay lưng, trái đạn pháo của giặc nổ phía sau. Tôi tấp vào mé rừng, vô tình vướng phải bãi lửa của địa phương bố trí phòng chống giặc. Mũi chông bằng cây đước nhỏ đâm vào bắp chân làm tôi té xuống, xung quanh toàn những chông nhọn. Tàu giặc phụp vào trận địa, rải đạn vào bìa rừng nhưng chúng không xác định được đối phương. 2 máy bay trực thăng từ Năm Căn vòng quanh, rồi hạ thấp, trút xuống những đại liên, róc kết, trận địa ngạt mùi thuốc súng.

Đại bộ phận quân ta vào rừng, còn lại khẩu đội pháo sẵn sàng chiến đấu. Nước sông vừa lớn (nước đứng), tàu giặc vẫn loay hoay, mục tiêu nhập vào hàng cột chuẩn (đường ngắm). Các xạ thủ B41 đồng loạt siết cò… Chiếc tàu của giặc bị xé nát, để lại mặt sông những quầng khói đen trong cơn mưa.

Mặt trận vừa im tiếng súng, bà con ấp Nhà Hội xuồng bơi, xuồng chèo, xuồng gắn máy ngược dòng nước lớn, đón chúng tôi trong niềm vui chiến thắng./.

Nguyễn Hiệp

Huyền thoại bên bờ Cái Nhúc

Sông Cái Nhúc uốn lượn quanh vùng đất Tân Thành trù phú, một cửa ngõ quan trọng nối liền trung tâm đô thị Cà Mau. Lần theo dấu xưa, những thế hệ tiền hiền đã về đây khẩn hoang, lập ấp, lập làng, đấu tranh chống ngoại bang, cường quyền tạo dựng cơ nghiệp; và lớp lớp cháu con đã tiếp nối, cùng nhau gìn giữ, trao truyền hào khí cha ông để giữ ấp, giữ làng, chung sức xây dựng quê hương Tân Thành ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc.

Từ cái hầm đến chiếc máy đánh chữ

Mấy chuyến đi tìm nơi cơ quan Tỉnh uỷ đóng trong những năm chống Mỹ như: Mà Ca, Mỹ Thành (xã Phú Thuận, huyện Phú Tân), Ðất Cháy, Vịnh Dừa, Công Ðiền (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời)... Bảo tàng tỉnh đã xác định được những “địa chỉ đỏ” quý giá.

Ký ức về cuộc chiến bảo vệ biên giới giúp nước bạn Campuchia

Tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, những người lính của Minh Hải ngày nào vẫn ấp ủ trong lòng mong mỏi vun đắp cho tình cảm hữu nghị giữa 2 nước trong thời bình.

Trận dánh bao vây bức rút Chi khu Năm Căn năm 1968

Thực hiện kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của tỉnh, huyện Duyên Hải (nay là huyện Năm Căn) hạ quyết tâm bao vây bức rút Chi khu Năm Căn - một cứ điểm quan trọng của địch trên địa bàn huyện, nhằm kéo căng lực lượng của địch, không để địch điều quân chi viện, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng ta tiến công vào thị xã Cà Mau.

Phụ nữ Cà Mau trong chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

Từ giai đoạn mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ (1945-1975), trải qua 30 năm chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, biết bao cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã lấy mồ hôi, xương máu viết nên những trang sử vẻ vang. Trong đó, có vai trò rất lớn của người phụ nữ trong đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận và hậu phương quân đội.

Nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là.

Những ngày qua, huyện Ðầm Dơi tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là.

Dư âm còn mãi

Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 năm 1959 của Trung ương Ðảng, cách mạng miền Nam phát triển rất mạnh mẽ, từ sự kiện “Làng rừng” đến phong trào Ðồng khởi ở Cà Mau đã đẩy phong trào cách mạng sang trang mới, từ xây dựng, giữ gìn lực lượng chuyển sang tiến công địch. Tháng 5/1963, Khu uỷ - Ban Quân sự khu họp đánh giá tình hình và quyết định chọn Cà Mau làm điểm mở đầu cho chiến dịch Thu - Ðông. Hướng đột phá then chốt Nam Cà Mau gồm 2 chi khu: Cái Nước, Ðầm Dơi và các đồn bót chung quanh. Khi nhận được ý định của Quân khu, Ðảng bộ, dân, quân Cà Mau rất háo hức, quyết tâm tiêu diệt quân thù, các lực lượng vũ trang trong tỉnh ngày đêm chuẩn bị để sẵn sàng san bằng đồn bót địch.

Vinh quang và bất tử

Sau phong trào Ðồng khởi, tình thế cách mạng ở Cà Mau gặp nhiều khó khăn. Ðịch tăng cường lực lượng, khí tài tối tân, thực hiện chiến lược thâm độc, là dồn dân lập ấp chiến lược; tổ chức hàng loạt chiến dịch lớn như “Sóng tình thương”, “Ðức Thắng 1”, “Ðức Thắng 2”, “Lê Lợi” đánh phá mạnh vùng căn cứ.

Một thời vàng son

Những người lính năm xưa vượt qua làn bom bão đạn để làm nên chiến công vẻ vang chói rạng sử xanh, nay ngồi lại nhắc nhớ dấu thời gian với thế hệ trẻ.

Thăm Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Ðịnh

Toạ lạc ở chung cư lâu năm trên đường Trần Quang Khải, phường Tân Ðịnh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Ðịnh chính là một trong những căn cứ cách mạng của những anh hùng thầm lặng thời chiến.