ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-3-24 10:47:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

20 năm vững vàng “Làng goá phụ”

Báo Cà Mau (CMO) Giọt nước mắt những người goá phụ lại rơi khi gợi nhớ về chuyện 20 năm trước. Đó là ngày bão Linda (bão số 5 năm 1997) quét qua Cà Mau, biến xóm ven biển Kinh Xáng Mới, xã Khánh Hội, huyện U Minh thành “Làng goá phụ”. Chỉ trong một ngày, cuộc sống của những người còn ở lại trở nên đảo lộn. 20 năm sau, họ vẫn vững vàng, thay chồng làm trụ cột gia đình…

Những người có người thân đi biển trong bão số 5 năm 1997 lặn lội đến các cửa biển chờ mong. (Ảnh tư liệu Báo Cà Mau)

Kinh Xáng Mới, Biện Nhị, Chệt Tửng, Lung Lá thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh là những địa danh gánh chịu hậu quả tang thương nhất do bão Linda để lại với hơn 500 ngư dân thiệt mạng. Trong vòng quay cuộc sống, nhiều g phụ tiếp tục thờ chồng và cũng không ít người bước thêm bước nữa. Nhưng dù thế nào, nỗi đau cũ vẫn còn in sâu trong tâm khảm của người dân nơi đây.

20 năm nuôi con…

Ngồi trên ghe nhìn mưa lất phất rơi ngoài kinh Xáng Mới, xã Khánh Hội, chị Hồng Kim Yến trầm ngâm: “Cũng ngày mùng 3 tháng 10 âm lịch của 20 năm về trước, tôi vừa tròn 19 tuổi và mang thai đứa con đầu lòng. 11 giờ trưa, mưa rả rích, mây đen kịt. Đến khoảng 4–5 giờ chiều, gió mạnh dần làm tốc mái nhiều ngôi nhà xung quanh. Cứ ngỡ là bão đã đi qua nhưng không ngờ rạng sáng ngày mùng 4, cả xóm biển nhận được tin dữ - cơn bão số 5 đã dìm tất cả các ghe biển ngoài khơi”, chị Yến thẫn thờ.

“Nửa tỉnh nửa mê, tôi hòa theo dòng người chạy như bay về cửa biển Khánh Hội ngóng tin chồng. Mỗi người ngồi một góc, gương mặt thẫn thờ dõi mắt ra biển, chẳng ai khóc nổi thành tiếng. Đến ngày mùng Sáu, những tia hy vọng dần tắt. Tôi nghĩ rằng, con trai mình không còn cơ hội gặp mặt cha”, chị Yến tâm sự.

Nào ngờ, tối mùng Sáu, chồng chị Yến trở về như một kỳ tích. Anh được ghe biển Kiên Giang cứu sống trong khi 6 người đi cùng đã không còn ai sống sót. Giây phút đoàn tụ, chị Yến chỉ biết đứng từ xa nhìn chồng và nước mắt cứ trào tuôn. Chị nói, cả đời chị không thể nào phai nhạt hình ảnh ấy.

Nhưng rất hiếm người may mắn như chị Yến, đa số các chị còn lại đều ngóng tin chồng trong tuyệt vọng. Ngày nhận tin chồng mất tích trong bão dữ, bà Trần Thị Giang, 51 tuổi, Ấp 4, xã Khánh Hội như điên, như dại. Bà gởi 4 con nhỏ về quê ngoại, rồi thơ thẫn như xác không hồn, ra ngoài cửa biển Khánh Hội chờ đợi một phép màu. Bà Giang kể: “Tới ngày mùng Bảy thì mỗi nhà đều làm ly hương, đội khăn tang thờ chồng, thờ con. Ban ngày xóm biển vắng tanh, chỉ nghe mùi nhang khói hòa với gió biển. Cứ thế kéo dài ròng rã từ ngày này sang ngày khác”.

Nước mắt lăn dài trên gò má, bà Giang tiếp: “Bão tan, nhà cửa cũng tan tành. Mỗi lần thấy tôi khóc, mấy đứa nhỏ ngồi im sau lưng nhìn mẹ. Đứa lớn nhất đến lau nước mắt cho tôi rồi động viên: “Mẹ ơi, đừng khóc! Con sẽ thay ba lo cho mẹ”. Câu nói ngây thơ đã thúc giục tôi phải giựt dậy tinh thần để thay chồng nuôi nấng các con nên người”.

Quyết tâm không bước thêm bước nữa, người phụ nữ trẻ không màng nắng mưa, làm thuê đủ thứ nghề để trở thành trụ cột gia đình. Đó là quyết định của “hoa khôi xóm biển”, bà Trần Thị Lăng, giờ đã 58 tuổi, ngụ Ấp 4, xã Khánh Hội. Vợ chồng bà Lăng tuy còn trẻ tuổi nhưng sở hữu gia tài đáng mơ ước. Hai chiếc ghe biển lớn của gia đình đã giải quyết việc làm cho nhiều ngư dân trong xóm. Và tháng 10/1997 là lần cuối cùng bà nhìn thấy nó mang theo chồng và con trai đi biệt tăm.

Bà Trần Thị Lăng rưng rưng khi nhớ về những ngày tang thương 20 năm trước.

Khác với những người phụ nữ khác rối rít chạy ra cửa biển đợi tin chồng, bà Lăng đã ngất xỉu ngay lúc nhận được tin bão. Sau khi bình tĩnh lại, bà đi tìm chồng khắp các cửa biển và cả những hòn đảo xa xôi với hy vọng chồng vẫn còn sống hoặc có thể tìm thấy xác. Hễ nghe ở đâu vớt được xác, bà Lăng đều bao đò dọc để đến đó nhận dạng, rồi thất vọng quay về. Hành trình tìm chồng suốt 5, 6 năm trời đã mỏi mệt khi bà nhận ra 3 đứa con nhỏ đã mất cha còn phải chờ mẹ.

Thế là bà Lăng về xóm biển nhang khói cho chồng và lao đầu vào công việc để quên đi thời gian. Bà bộc bạch: “Tôi chưa bao giờ nghĩ chồng tôi đã chết. Tôi vẫn luôn mong một ngày nào đó ông ấy sẽ trở về với mẹ con tôi”. Và đó là động lực để bà Lăng sống tốt hơn mỗi ngày, dẫu đến nay bà đã dựng vợ gã chồng cho các con và sum vầy bên đàn cháu nhưng ông chồng vẫn biệt vô âm tính. Nhưng bà Lăng vẫn tin có 1 ngày…

Dẫu sao bà Lăng cũng còn 1 “số vốn kha khá” khi danh sách người mất tích dán tại Đồn Biên phòng Khánh Hội có tên con trai bà, nhưng mấy hôm sau nó lại về khi mà đồ tẩn liệm, xóm làng đã mua đủ, sau phải mang đi đốt bỏ… Rồi vài năm sau, con lớn của bà, anh Trần Văn Húng, người “chết hụt giữa biển khơi”, lại đi làm tài công kiếm sống. Đứa lớn dìu dắt đứa nhỏ, đến nay 3 anh con trai lớn của bà đều làm tài công, riêng con trai Út, mấy anh dành dụm mua một chiếc ghe để anh câu mực mé, thu nhập ổn định, dù không giàu có nhưng cũng đủ ăn, có tích luỹ.

Đã có chúng tôi!

Một tháng sau bão, xóm biển thưa hẳn người. Cả con kinh Xáng Mới cũng chẳng thấy bóng dáng của mấy người đàn ông. Rồi nhiều bà mẹ ôm con bỏ xứ ra đi vì muốn chôn vùi quá khứ đau thương, phần vì mưu sinh khi đã mất trụ cột gia đình.

Ông Huỳnh Chuông (Ba Chuông), Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Khánh Hội (nguyên Trưởng Ấp 7, xã Khánh Lâm năm 1997, nay là các ấp: 3, 4, 5, 6, 7 xã Khánh Hội), ngậm ngùi, chỉ tính riêng Ấp 7 lúc đó đã có hơn 100 ngư dân bỏ mạng trong bão Linda nhưng chỉ vớt xác được 1 người. Nguyên dân dẫn đến bi kịch là do sự chủ quan của ngư dân, khi đi biển không trang bị dụng cụ cứu sinh; các thiết bị vô tuyến lúc đó thì không ai có.

Ông Ba Chuông kể, thời khắc đó không ai có thể quên được cảnh làng xóm đổ nát. Trong hoạn nạn, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã được phát huy cao độ. Chính quyền địa phương và cả cộng đồng xã hội hướng về vùng tang thương này, đến từng hộ gia đình trao tiền, quà hỗ trợ sau thiên tai; vận động các bà, các chị kìm nén đau thương, ổn định cuộc sống.

Bà Trần Thị Lăng hồi nhớ, hồi ấy bà được hỗ trợ gạo, thức ăn, cả gia đình ăn cả năm mà không hết. Cũng nhờ hỗ trợ tiền nhiều, bà mới có đủ kinh phí đi tìm chồng mấy năm ròng rã, vì tài sản là 2 chiếc ghe đã mất tích cùng chồng và những bạn ghe.

Sau bi kịch này, cả nước và các kiều bào nước ngoài chung tay, hỗ trợ để chia sẻ nỗi đau quá lớn và khắc phục hậu quả thiên tai. Bà Trần Thị Giang, chị dâu anh Nguyễn Văn Dụ, trải lòng: “Cứ cách vài ngày là cán bộ ấp, xã lại đến động viên gia đình tôi. Họ giúp tôi sửa nhà rồi khuyến khích, hỗ trợ tụi nhỏ tiếp tục đến trường. Vài năm sau cũng vậy, đến ngày đám giỗ chồng là họ lại đến thắp nén hương rồi hỏi thăm cuộc sống của mấy mẹ con. Chính vì thế giúp tôi có thêm động lực gắn bó nơi đây”.

“Ác mộng đã qua. Giờ đây con cái của tôi đều đã thành gia lập thất và tụi nó lại tiếp tục nối nghiệp của cha. Không những không sợ hãi khi ra biển khơi mà tụi nó còn vững tin cha sẽ phù hộ cho ghe biển được nhiều cá, mực...”, bà Giang lau nước mắt.

Chị Hồng Kim Yến có lẽ là người phụ nữ may mắn nhất xóm Kinh Xáng Mới này khi anh Nguyễn Văn Dụ, chồng chị là người duy nhất về trên 2 chiếc ghe của anh em, dòng họ. Gia đình lớn của anh Dụ có 2 chiếc ghe cào mé, 14 người đi, trong đó có phân nửa là máu mủ ruột rà.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Dụ chuẩn bị cho chuyến ra khơi

Anh Dụ trải lòng: “Sau bão tính bỏ nghề, nhưng ở đây làm có 1 vụ lúa, hơn 10 công đất, không dư dả gì. Những tháng nông nhàn thì chan chát, không có thu nhập nên 2 năm sau, tôi đánh liều đi làm tài công cho ghe người ta. Rồi dành dụm, mua 1 chiếc ghe nhỏ, giờ sắm chiếc lớn hơn nhưng cũng chỉ câu mực mé”. Anh cũng là người đàn ông bản lĩnh nhất xứ này khi dong ghe đi câu mực một mình trên biển từ trưa hôm nay đến sáng hôm sau mới về.

Làng cá Khánh Hội 20 năm sau bão số 5. Ảnh: Lê Chí

“Làng goá phụ” giờ đã đổi thay. Con kinh Xáng Mới đã tấp nập ghe biển và con đường lộ bê tông đã nối liền thôn xóm, tiếng nói cười của trẻ con vang vọng. Chị Yến chia sẻ: “Con trai tôi đã tròn 20 tuổi, hiện nó đã nhập ngũ nhưng vẫn hay gọi về hứa rằng sau khi ra quân sẽ về đi biển với cha”. Và chiếc ghe của anh Dụ sẽ có bạn đồng hành, bớt cô đơn giữa biển khơi, đêm tối.

Nghề biển đã ăn sâu vào tâm thức người dân nơi đây, từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác vẫn bám biển mưu sinh. Những chàng trai mười tám, đôi mươi ngày ngày vẫn hào hứng ra biển với niềm hy vọng mới…/.

Ông Châu Minh Đảm, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh cho biết, 20 năm sau cơn bão Linda, đời sống của ngư dân Khánh Hội đã nâng lên rõ nét. Ngoài đi biển, các chị em phụ nữ còn kiếm sống bằng những nghề truyền thống nhờ tham gia các lớp dạy nghề ở địa phương. Thu nhập dù chưa đạt tiêu chí nông thôn mới, chỉ mới 31 triệu đồng/người, nhưng xã từ con số không sau bão, nay đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Đa phần trẻ em được đến trường và năm học này, có đến 95% học sinh của trường THCS Khánh Hội được chuyển lên học THPT ở Khánh Lâm, cách đó khoảng 7 km. Đây là con số rất có ý nghĩa khi trước đây đa số người dân chỉ trú trọng mưu sinh trước mắt, nay họ đã biết đầu tư lâu dài: đầu tư từ giáo dục thế hệ trẻ.

 Phùng Ngọc Trầm 

 

 

Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài 2: Nhiều cách làm hay

Những năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực của địa phương, nhiều công trình phòng, chống sạt lở bờ biển của tỉnh đã được triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở gây ra.

Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài 1: Hiểm hoạ đe doạ cuộc sống

Hàng loạt những giải pháp kè từ vật liệu địa phương, kè bản nhựa, cho đến kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè đá đổ, kè áp bờ... đã được triển khai trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều khó khăn.

Ngăn dòng "chảy máu" chất xám - Bài cuối: Cần cơ chế "giữ chân" nhân tài

Trong tổng số 107 ứng viên tốt nghiệp về nước, có 28 trường hợp đã xin thôi việc, nghỉ việc, chuyển công tác và 10 trường hợp bồi hoàn kinh phí đào tạo. Con số này cho thấy nguồn nhân lực mà tỉnh đào tạo đã biến động tiêu cực. Ngay thời điểm này cần có những cơ chế đặc thù để thu hút và giữ chân nhân tài, phục vụ cho sự phát triển, nhất là những mục tiêu mang tầm chiến lược trong tương lai.

Ngăn dòng "chảy máu"chất xám - Bài 2: Ðừng để "chùn bước" tại quê nhà

Chương trình Ðề án Mekong 1.000 triển khai tại các tỉnh, thành phố được các địa phương chọn lựa ứng viên đưa đi đào tạo theo vị trí đang thiếu hụt và có nhu cầu cần đào tạo. Thế nhưng, sau khi trở về quê hương, có những du học sinh tốt nghiệp loại ưu, với học vị là tiến sĩ, thạc sĩ nhưng vẫn cầm đơn đi xin việc.

Ngăn dòng "chảy máu"chất xám

Gần 10 năm trở về quê hương sau khi kết thúc khoá học tại nước ngoài, những du học sinh của Ðề án Mekong 1000 giờ vẫn còn trăn trở, thấp thỏm khi làm việc chưa phù hợp với trình độ đào tạo. Họ đều có chung mong muốn là được cống hiến hết phần năng lực, kiến thức đã học để phục vụ quê hương. Song, môi trường làm việc tại tỉnh Cà Mau hiện nay vẫn còn những bất cập, khiến một số người lựa chọn phương án hoàn lại chi phí đào tạo; một số khác chấp nhận làm việc tại tỉnh với vị trí chưa đúng với chuyên môn, ngành nghề được đào tạo. Từ đó, rất cần những giải pháp kịp thời, nhằm ngăn dòng "chảy máu" chất xám.

Nhiêu khê đòi lại tiền chuyển khoản... nhầm - Bài cuối: Trách nhiệm của ngân hàng và người nhận nhầm

Tiền chuyển nhầm là tài sản của người khác, không phải của người nhận. Do đó, người nhận tiền chuyển nhầm có nghĩa vụ hoàn trả lại cho người chuyển để tránh gặp rủi ro về pháp lý. Nếu cố tình chiếm hữu, sử dụng số tiền này, sau khi đã nhận được thông báo từ phía ngân hàng (NH) thì tuỳ theo tính chất, mức độ, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiêu khê đòi lại tiền chuyển khoản... nhầm

Thời gian gần đây, tình trạng nhận tiền chuyển khoản nhầm từ người khác mà không chịu trả lại đang ngày càng trở nên phổ biến. Ðiều này khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí bị lừa đảo. Theo quy định của pháp luật, người nhận tiền chuyển khoản nhầm có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đó cho người chuyển nhầm. Nếu người nhận cố tình không trả lại tiền thì có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài cuối: Tết ở Trường Sa

Khi đã dần quen với nhịp điệu của sóng gió Trường Sa, chúng tôi hoà mình vào cuộc sống nơi đây với nhịp điệu đón tết Giáp Thìn rộn rã vui tươi cùng với quân dân trên đảo. Anh em đoàn công tác, nhất là những người lần đầu đến với Trường Sa đều tâm đắc: “Đây quả là một cái Tết đặc biệt, Tết đến sớm hơn giữa biển đảo thiêng liêng của đất trời Tổ quốc”.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài 4: Trường Sa sừng sững, hiên ngang

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: “Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, quân và dân trên quần đảo Trường Sa đã trở thành chỗ dựa tin cậy, vững chắc, góp phần vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc, thắt chặt thêm mối quan hệ máu thịt quân - dân, đất liền - biển đảo. Các lực lượng trên đảo cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất để ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt tại ngư trường Trường Sa an toàn, hiệu quả”.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài 3: Bản hùng ca Trường Sa

Trong hải trình đến với Trường Sa, chúng tôi lặng người xúc động khi tham dự nghi thức thiêng liêng, ý nghĩa tưởng niệm, vinh danh và tri ân 64 anh hùng, liệt sĩ đã xả thân mình để bảo vệ lá cờ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma.