ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-3-24 17:22:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ấm áp những trái tim yêu thương

Báo Cà Mau (CMO) Lấy việc chăm sóc người khác làm trách nhiệm và xem đó như niềm vui của chính bản thân. Đặt tình thương yêu, nuôi nấng và dạy dỗ những đứa trẻ bị bỏ rơi, mồ côi khuyết tật như con ruột của mình, phụng dưỡng hết lòng những cụ già neo đơn như cha mẹ... đó là những tấm lòng rất đẹp ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau.

Một ngày tất bật trôi qua với rất nhiều công việc nhưng dường như sự mệt mỏi đã được các mẹ, các cô thay bằng những nụ cười hạnh phúc, niềm hạnh phúc của những trái tim giàu lòng nhân ái và sự nhiệt tâm đối với xã hội.

"Chăm sóc các cụ cũng giống như cha mẹ mình thôi..."

Đó là những lời rất chân tình của các nhân viên tại khu nuôi dưỡng người già khi nói về công việc của mình. Đối với các cô, việc phục vụ các cụ già neo đơn, già yếu tại trung tâm là điều hết sức hân hạnh và chưa bao giờ xem đó là việc đơn thuần chỉ vì mục đích kinh tế.

Những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh được sống trong vòng tay ấm áp yêu thương của các mẹ.

Hơn 6 năm làm việc tại trung tâm là ngần ấy thời gian cô Trần Thị Phục dành trọn tấm lòng cho công việc và xem đó như niềm vui của bản thân. Cô Phục tâm sự: "Muốn làm tốt công việc này đòi hỏi chữ tâm phải đặt lên hàng đầu. Công việc vất vả sẽ dễ sinh ra stress và nếu không kiềm chế sẽ làm tổn thương các cụ, vì vậy, phải hết sức nhẹ nhàng chu đáo giống như nuôi cha mẹ của mình vậy".

Cùng với suy nghĩ như thế nên hầu hết nhân viên tại khu nuôi dưỡng người già luôn làm việc bằng cả trái tim. Phần lớn những cụ già vào viện đều có sức khoẻ yếu, nhiều cụ nằm một chỗ hoặc không còn minh mẫn nên hầu hết những sinh hoạt cá nhân như vệ sinh, ăn uống đều do các nhân viên làm giúp.

Cô Trương Thị Phụ cẩn thận đút từng muỗng cháo cho một cụ già tại trung tâm.

Chăm sóc một người lớn tuổi bình thường đã khó, thì việc phải cán đáng một lúc nhiều cụ với nhiều thể trạng, bệnh tật khác nhau lại còn khó gấp nhiều lần. Việc tắm rửa, lo ăn uống ngày 3 buổi với chế độ dinh dưỡng phù hợp từng cụ hay việc bệnh tật luôn được theo dõi và nhanh chóng phối hợp với bộ phận y tế để chữa trị kịp thời.

Cô Phục thông tin thêm, chính vì coi các cụ như cha mẹ nên thỉnh thoảng có những cụ cao tuổi qua đời, giây phút tiễn đưa một người mà mình từng chăm sóc buồn không thể nào diễn tả được. Chính vì thế, bằng hết khả năng của mình, các nhân viên luôn cố gắng phụng dưỡng các cụ một cách tận tình nhất có thể.

Chị Lê Thị Yến Chinh, Phó trưởng Phòng Nuôi dưỡng người già tại Trung tâm, cho biết: "Cái khó trong công việc ở đây là ngoài chuyện phải theo dõi thường xuyên về sinh hoạt, sức khoẻ thì vấn đề tâm lý của người cao tuổi cũng gây khó khăn và áp lực lớn cho những nhân viên làm công việc chăm sóc hằng ngày. Mỗi nhân viên phụ trách phải thật sự tâm huyết mới có thể gắn bó với công việc".

"Ở với các con thì thương, về nhà lại nhớ"

Khu nuôi dạy trẻ của trung tâm hiện có hai nhóm: nhóm sơ sinh, khuyết tật và nhóm lớn. Từ các bé sơ sinh cho đến các em ở độ tuổi trưởng thành đều có hoàn cảnh đặc biệt: bị bỏ rơi, mồ côi, bệnh tật, dị tật bẩm sinh, hội chứng Down, chất độc da cam...

Thấu hiểu những mất mát đó, các mẹ ở đây luôn dùng tình thương, sự đồng cảm cùng những hành động chăm sóc che chở để biến nơi đây thành tổ ấm cho các con của mình. Do làm việc trong môi trường đặc thù nên không biết từ khi nào hình ảnh những đứa trẻ nằm co quắp trong vô thức do sự giày vò của chất độc da cam, những ánh mắt ngờ nghệch do hội chứng Down hay từng nụ cười trộm của trẻ sơ sinh... đã trở nên quen thuộc như một phần không thể thiếu đối với các mẹ.

Mẹ Phan Thị Thuý đang chăm sóc em Nhân Quốc Hùng - một trẻ sơ sinh do chính mẹ phát hiện bị bỏ rơi trước cổng trung tâm.

Có thâm niên 9 năm trong nghề, mẹ Phan Thị Thuý tâm sự: "Tôi đến với công việc này như một cái duyên. Lúc mới vào nghề, nhìn thấy những bé bị hở hàm ếch hay dị tật đôi lúc sợ, nhưng càng chăm sóc lại càng thấy thương và muốn gắn bó với các con nhiều hơn để phần nào bù đắp những mất mát mà các con phải gánh chịu".

Đa số trẻ sơ sinh bị bỏ rơi khi được phát hiện và đưa vào trung tâm sức khoẻ rất yếu, thậm chí có em cân nặng chưa đến 1 kg, các mẹ phải thay phiên nhau ủ ấm bằng chính hơi ấm của cơ thể mình và mớm từng muỗng sữa. Các em lớn dần trong tình yêu thương của các mẹ. Đối với các em nằm bất động, mất nhận thức, từ việc ăn uống đến sinh hoạt, thậm chí cả hơi thở bất thường cũng đều được các mẹ quan sát kỹ lưỡng.

Mẹ Đặng Thị Loan chăm chút từng bình sữa cho các trẻ em bị nhiễm chất độc da cam.

"10 năm làm công tác chăm sóc các con tuy vất vả nhưng rất vui, chỉ cần về nhà và xa một ngày thôi đã nhớ vô cùng", mẹ Đặng Thị Loan bộc bạch.

Cùng ăn, cùng ở và cùng ngủ với các con, nhiều đêm phải thức trắng để canh chừng những em bị bệnh, tuy vất vả, bận rộn, nhưng nhiệt huyết của các mẹ ở trung tâm không bị vơi đi mà ngược lại ngày càng đượm nồng hơn.

Giống như suy nghĩ của cô Phục, mẹ Thuý, mẹ Loan... hầu như các cô, các mẹ ở trung tâm đều rất hài lòng với công việc mà mình đang gắn bó.

Vừa hoàn thành công việc mang tính chất đặc thù, vừa làm tròn trách nhiệm người mẹ, người vợ tại gia đình, đối với các nữ nhân viên nơi đây là sự cố gắng lớn. Thế nhưng, khi được hỏi: "Nếu được chọn lại, các cô có tiếp tục chọn công việc này để đi tiếp không?", hầu hết đều nhận được câu trả lời là cái gật đầu không chút do dự, bởi từ lâu họ đã tự coi đây như mái nhà thứ hai của mình. Và cứ thế, ngày lại ngày, những người phụ nữ này cứ thầm lặng mang tình thương, sự sẻ chia đến với những mảnh đời bất hạnh. Một công việc tưởng chừng như đơn giản bỗng thật đẹp khi được điểm tô bởi những tấm lòng./.

Trần Phúc

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau hiện có 17/33 nhân viên nữ đang phụ trách công tác trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Ông Đào Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết: "Bằng chính năng lực, trách nhiệm của mình, các nhân viên này luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng cả trái tim. Chính họ đã góp sức cùng với trung tâm thực hiện tốt những chức năng mà Đảng và Nhà nước đã giao phó".

 

Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài 2: Nhiều cách làm hay

Những năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực của địa phương, nhiều công trình phòng, chống sạt lở bờ biển của tỉnh đã được triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở gây ra.

Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài 1: Hiểm hoạ đe doạ cuộc sống

Hàng loạt những giải pháp kè từ vật liệu địa phương, kè bản nhựa, cho đến kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè đá đổ, kè áp bờ... đã được triển khai trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều khó khăn.

Ngăn dòng "chảy máu" chất xám - Bài cuối: Cần cơ chế "giữ chân" nhân tài

Trong tổng số 107 ứng viên tốt nghiệp về nước, có 28 trường hợp đã xin thôi việc, nghỉ việc, chuyển công tác và 10 trường hợp bồi hoàn kinh phí đào tạo. Con số này cho thấy nguồn nhân lực mà tỉnh đào tạo đã biến động tiêu cực. Ngay thời điểm này cần có những cơ chế đặc thù để thu hút và giữ chân nhân tài, phục vụ cho sự phát triển, nhất là những mục tiêu mang tầm chiến lược trong tương lai.

Ngăn dòng "chảy máu"chất xám - Bài 2: Ðừng để "chùn bước" tại quê nhà

Chương trình Ðề án Mekong 1.000 triển khai tại các tỉnh, thành phố được các địa phương chọn lựa ứng viên đưa đi đào tạo theo vị trí đang thiếu hụt và có nhu cầu cần đào tạo. Thế nhưng, sau khi trở về quê hương, có những du học sinh tốt nghiệp loại ưu, với học vị là tiến sĩ, thạc sĩ nhưng vẫn cầm đơn đi xin việc.

Ngăn dòng "chảy máu"chất xám

Gần 10 năm trở về quê hương sau khi kết thúc khoá học tại nước ngoài, những du học sinh của Ðề án Mekong 1000 giờ vẫn còn trăn trở, thấp thỏm khi làm việc chưa phù hợp với trình độ đào tạo. Họ đều có chung mong muốn là được cống hiến hết phần năng lực, kiến thức đã học để phục vụ quê hương. Song, môi trường làm việc tại tỉnh Cà Mau hiện nay vẫn còn những bất cập, khiến một số người lựa chọn phương án hoàn lại chi phí đào tạo; một số khác chấp nhận làm việc tại tỉnh với vị trí chưa đúng với chuyên môn, ngành nghề được đào tạo. Từ đó, rất cần những giải pháp kịp thời, nhằm ngăn dòng "chảy máu" chất xám.

Nhiêu khê đòi lại tiền chuyển khoản... nhầm - Bài cuối: Trách nhiệm của ngân hàng và người nhận nhầm

Tiền chuyển nhầm là tài sản của người khác, không phải của người nhận. Do đó, người nhận tiền chuyển nhầm có nghĩa vụ hoàn trả lại cho người chuyển để tránh gặp rủi ro về pháp lý. Nếu cố tình chiếm hữu, sử dụng số tiền này, sau khi đã nhận được thông báo từ phía ngân hàng (NH) thì tuỳ theo tính chất, mức độ, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiêu khê đòi lại tiền chuyển khoản... nhầm

Thời gian gần đây, tình trạng nhận tiền chuyển khoản nhầm từ người khác mà không chịu trả lại đang ngày càng trở nên phổ biến. Ðiều này khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí bị lừa đảo. Theo quy định của pháp luật, người nhận tiền chuyển khoản nhầm có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đó cho người chuyển nhầm. Nếu người nhận cố tình không trả lại tiền thì có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài cuối: Tết ở Trường Sa

Khi đã dần quen với nhịp điệu của sóng gió Trường Sa, chúng tôi hoà mình vào cuộc sống nơi đây với nhịp điệu đón tết Giáp Thìn rộn rã vui tươi cùng với quân dân trên đảo. Anh em đoàn công tác, nhất là những người lần đầu đến với Trường Sa đều tâm đắc: “Đây quả là một cái Tết đặc biệt, Tết đến sớm hơn giữa biển đảo thiêng liêng của đất trời Tổ quốc”.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài 4: Trường Sa sừng sững, hiên ngang

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: “Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, quân và dân trên quần đảo Trường Sa đã trở thành chỗ dựa tin cậy, vững chắc, góp phần vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc, thắt chặt thêm mối quan hệ máu thịt quân - dân, đất liền - biển đảo. Các lực lượng trên đảo cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất để ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt tại ngư trường Trường Sa an toàn, hiệu quả”.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài 3: Bản hùng ca Trường Sa

Trong hải trình đến với Trường Sa, chúng tôi lặng người xúc động khi tham dự nghi thức thiêng liêng, ý nghĩa tưởng niệm, vinh danh và tri ân 64 anh hùng, liệt sĩ đã xả thân mình để bảo vệ lá cờ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma.