ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-3-24 09:48:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ký ức bão Linda

Báo Cà Mau (CMO) Sáng 3/11/2017, tỉnh Cà Mau thực hiện nghi thức tưởng niệm đồng bào thiệt mạng trong bão số 5 năm 1997 (bão Linda).

Chỉ riêng tỉnh Cà Mau, bão Linda làm 128 người chết, 601 người bị thương, 1.164 người mất tích. Bão gây ra sự đổ nát, tang thương chưa từng có, làm nhiều người mất người thân và có cả 1 xóm đa số phụ nữ mất chồng. 20 đã qua nhưng bài học bi thương ấy vẫn còn hằn trên khuôn mặt nhiều người.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Bạch Đằng (bìa phải) cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử thắp hương tưởng nhớ đồng bào thiệt mạng trong bão số 5.

Còn tính riêng xã Khánh Hội, bão Linda đã làm hơn 500 người chết và mất tích. Vì sao 1 cửa biển nhỏ như vậy lại có quá nhiều người chết và mất tích? Anh Châu Minh Đảm, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh giải thích, bởi tháng 10 âm lịch là mùa nông nhàn, do xưa làm lúa mùa, gần Tết mới thu hoạch. Thời gian rảnh rỗi, người dân nơi đây thường đi đánh bắt bằng những phương tiện vừa và nhỏ, trang bị rất thô sơ. Với lại, cả trăm năm, vùng này không biết bão là gì nên mới xảy ra bi kịch như thế. 

Ám ảnh mưu sinh

Mấy hôm nay, thời tiết có những diễn biến phức tạp nên UBND tỉnh Cà Mau quyết định dời lễ tưởng niệm trễ một ngày để tập trung toàn lực ứng phó thiên tai. Chiều 1/11, áp thấp nhiệt đới đã tiến sát bờ và có những biểu hiện tương tự như ngày này 20 năm trước khiến người dân hoang mang. Nhưng may mắn, bi kịch đã không lặp lại…

Ngồi ở 1 góc của lễ tưởng niệm, anh Nguyễn Văn Dụ ngụ Ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh, thẫn thờ. Hỏi anh “mấy hôm nay chắc không đi biển?”, mắt anh đỏ hoe: “Sóng lớn lắm, giờ mà ra là chịu không nổi đâu, vài hôm nữa hẳn tính!”.

Mặc dù tại Khánh Hội, sáng ngày 3/11 nắng tốt, gió nhẹ và áp thấp nhiệt đới gần Mũi Cà Mau đã tan, bão số 12 cũng còn rất xa. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm hoặc là sự ám ảnh của quá khứ 20 năm trước, anh Dụ quyết ở nhà.

20 năm trước, cùng giờ này ngày 3/11, anh Dụ vẫn còn cùng 3 bạn ghe lênh đênh khoảng giữa Hòn Chuối và đất liền. Anh là 1 trong 3 người trên chiếc ghe có 7 ngư phủ còn sống sót. Anh cũng là người duy nhất trong 5 người của gia đình đi trên hai ghe câu của gia đình còn về với vợ con.

Ký ức hãi hùng ấy, anh nhớ như in. Hồi ấy đi biển cũng có radio nghe tin báo bão nhưng không biết đổ vào đâu. Ghe câu 7 người chỉ có cái la bàn để biết mình đã đi xa cỡ nào. Rồi bão tới, chống chọi không bao lâu, ghe lật úp, 5 người nhảy được ra, bám vào 2 cây ngán bằng tre (vật dùng để mắc lưới đẩy trước mũi ghe bắt cá tôm). Anh Dụ còn cầm theo được đèn pin, đếm “quân số” tới gần 0 giờ thì chỉ còn 3 người.

Cầm cự đến sáng, may mà gặp một chiếc ghe lật úp trôi gần, cả 3 người lên đó phơi nắng, đến gần 5 giờ chiều ngày 3/11 thì được ghe cào Ngọc Nhung - Kiên Giang vớt. Lên ghe, cảnh tượng kinh hãi hơn, có hơn 100 người còn sống, chen chúc la liệt, được chủ ghe chăm sóc như ở bệnh xá: ăn, uống, giữ ấm… còn người chết vớt được rất nhiều, được đưa vào hầm giữ lạnh.

Rồi chủ ghe chở anh vào cửa Sông Đốc, anh tức tốc bao đò về nhà. Trên đường đi, anh gặp chiếc ghe thứ hai của gia đình mình lật úp, có cây ngán trôi và xác người anh thứ Tư, anh Nguyễn Hoàng Oai đã trương phình được cột vào đó. Anh òa khóc…

Hồi ấy, cả làng cá Khánh Hội không có đường đi, điện không và tuyệt nhiên không có điện thoại. Vì thế, anh về là cả 1 sự kiện lớn vì cả xóm, người đi biển chưa có ai về. Và anh Oai là cái xác duy nhất vớt được trong hơn 100 người mất tích ở Ấp 4 này.

Bão tan, rồi người sống cũng phải cố lo cho những người còn lại. Mấy năm sau, mỗi lần thấy cán bộ tới nhà nói về vấn đề cho vay vốn đóng lại tàu là anh trốn biệt. Anh nói hãi hùng quá, định bỏ nghề, nhưng lúc giáp hạt, nông nhàn, gia đình túng thiếu, mấy năm sau anh lại phải đi làm tài công kiếm sống. Dần dà, anh mua ghe câu mực mé. Chắc có lẽ anh là người dũng cảm nhất xứ này khi hiện tại 1 mình lênh đênh trên biển mỗi chuyến 1 ngày đêm.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Cà Mau cùng đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia lễ tưởng niệm đồng bào tử nạn trong bão số 5 năm 1997.

Anh Nguyễn Văn Ninh, anh cột chèo anh Dụ, cùng ngụ Ấp 4, xã Khánh Hội, cho hay, ở đây đa số người dân có đất không nhiều, mỗi gia đình chỉ trên dưới 1 ha. Làm lúa mùa năm trúng năm thất, nhưng trúng lắm cũng chỉ đủ ăn. Như anh, có gần 5 ha, phân nửa làm lúa 2 vụ lỗ nặng, phần còn lại lúa mùa chắc đủ tiền mừng mùa đám cưới sắp tới.

Khác với dân Khánh Hội “tay không bắt giặc”, đi biển không trang bị, ông Võ Văn Bon ở Khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, lúc đó đi trên ghe cào Phước Tâm đã có định vị, bộ đàm liên lạc thông suốt. Thế nhưng, tối 2/11, khi bão mạnh, ghe dạt vào cửa biển Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, chính ông đo được độ sâu chỉ còn chưa tới 2 mét nước. Nhưng do không có kinh nghiệm, tàu ông chạy về trong bão dữ và bị chìm giữa biển khơi. Ông nhớ như in người bạn thân của ông cũng là tài công, kêu ông ra boong trước. Khi tàu lật, ông còn thấy ánh đèn pin mà bạn ông cầm rọi cho ông trèo ra sáng 1 lúc lâu khi chìm dần dưới biển…

Sau mười mấy năm tiếp lục lăn lộn mưu sinh cùng biển cả, nuôi 3 con học hết đại học thì cũng là lúc ông kiệt sức. 2 lần tai biến, giờ ông lấy việc làm thuốc Nam làm niềm vui. Ai nhờ, ông bốc; ai xin, ông cho…

Những vết thương chưa lành

Tại lễ tưởng niệm, bà Ngô Thị Cấm ngụ Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh suốt buổi không cầm được nước mắt. Bà sụt sùi: “Tôi cứ tưởng tượng ra cảnh con mình chấp chới giữa biển gào lên: “Mẹ ơi cứu con!” mà lòng tôi đau nhói. Làm sao tôi cứu được nó bây giờ. Dẫu 20 năm, không ngày nào tôi thôi mong ngóng 2 đứa nó…” bà nấc nghẹn.

Bà Ngô Thị Cấm ngụ Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh, đau đớn nhớ về 2 con mất tích trong bão số 5.

Bà Cấm có 2 con, 2 em và 2 cháu vĩnh viễn ra đi trong bão số 5. Bà thôi chồng, có 2 con trai, chưa kịp có dâu, giờ thui thủi sống cùng mẹ già đã hơn 80 tuổi, bởi cũng không còn ai nuôi dưỡng. Hơn 60 tuổi, không đất đai, không còn con cái, không nghề nghiệp, bà phải nuôi mẹ già thay 2 em cũng đã ra đi trong bão.

Bà Trần Thị Lăng, Ấp 4, xã Khánh Hội, 20 năm vẫn "chờ chồng". Trước bão số 5, gia đình bà thuộc dạng khá giả nhất xóm khi có đến 2 chiếc ghe lớn đi biển. Nhưng tháng Chín năm ấy là lần cuối bà thấy nó mang chồng bà và các bạn ghe ra đi vĩnh viễn, chỉ còn con trai lớn, khi ấy 19 tuổi, anh Trần Văn Húng, trở về 1 tuần sau bão.

Nước mắt bà đến giờ vẫn chưa thôi rơi. Bà nắm chặt vành nón lá đã cũ sờn, nghẹn ngào: “Tôi luôn nghĩ ổng còn ở đâu đó chứ chưa bao giờ nghĩ rằng ổng chết. Tôi đã từng 5-6 năm liền đi tìm kiếm, nhưng tôi vẫn chưa thôi tin ổng sẽ trở về…”

Bà Trần Thị Lăng ngụ Ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh đau đớn khi nhớ về người chồng 20 năm mất tích trong bão số 5.

Dẫu biết là vô vọng nhưng niềm tin ấy đã giúp bà Lăng nuôi dạy 5 con nên người. Mấy năm sau bão, anh Húng trở lại làm tài công thuê, rồi mang em theo làm tài cải. Đến khi tài cải lên tài công, anh lại mang đứa khác đi chỉ dạy… Cứ thế, giờ 4 anh em trai đều mưu sinh bằng nghề biển và bà Lăng là tổng chỉ huy đại gia đình và luôn hy vọng 1 ngày trao vị trí trụ cột ấy lại cho người mà bà 20 năm mong ngóng…

20 năm, làng cá Khánh Hội giờ đã có nhiều đổi thay. Xóm Kinh Xáng Mới, xưa được gọi là xóm không chồng, nay lộ làng khang trang, liên lạc thông suốt và có điện thắp sáng chứ không còn cô lập. Trẻ con giờ đều được đến trường và những góa phụ thờ chồng, nay đã lên chức bà, nhà cửa vui vầy.

20 năm, thời gian đủ để 1 thế hệ trưởng thành nhưng chưa đủ để xóa nhòa những vết thương quá lớn đã làm tan nát nhiều cuộc đời. Gần 1.300 con người bỏ mình trong bão số 5 không ai có thể quên, khi xương máu của họ đã vun đắp cho quê hương này. 

Sáng 3/11, UBND tỉnh Cà Mau trang trọng tổ chức tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trong cơ bão số 5 năm 1997, tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, nhiều ban ngành trong tỉnh và Trung ương về dự. Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ, vì sức khỏe yếu không đến được, đã gửi vòng hoa chia buồn cùng đồng bào. Các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh Cà Mau từng trực chiến trong bão số 5 như: nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thạnh Trị, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Ong Thị Hồng Thơ cũng đến dự, trang nghiêm mặc niệm những người đã mất. Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau đọc thư của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thân nhân đồng bào thiệt mạng trong bão số 5 và Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử thay mặt Đảng bộ tỉnh Cà Mau đọc diễn văn tưởng niệm.

 

Châu Anh Dũng

Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài 2: Nhiều cách làm hay

Những năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực của địa phương, nhiều công trình phòng, chống sạt lở bờ biển của tỉnh đã được triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở gây ra.

Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài 1: Hiểm hoạ đe doạ cuộc sống

Hàng loạt những giải pháp kè từ vật liệu địa phương, kè bản nhựa, cho đến kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè đá đổ, kè áp bờ... đã được triển khai trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều khó khăn.

Ngăn dòng "chảy máu" chất xám - Bài cuối: Cần cơ chế "giữ chân" nhân tài

Trong tổng số 107 ứng viên tốt nghiệp về nước, có 28 trường hợp đã xin thôi việc, nghỉ việc, chuyển công tác và 10 trường hợp bồi hoàn kinh phí đào tạo. Con số này cho thấy nguồn nhân lực mà tỉnh đào tạo đã biến động tiêu cực. Ngay thời điểm này cần có những cơ chế đặc thù để thu hút và giữ chân nhân tài, phục vụ cho sự phát triển, nhất là những mục tiêu mang tầm chiến lược trong tương lai.

Ngăn dòng "chảy máu"chất xám - Bài 2: Ðừng để "chùn bước" tại quê nhà

Chương trình Ðề án Mekong 1.000 triển khai tại các tỉnh, thành phố được các địa phương chọn lựa ứng viên đưa đi đào tạo theo vị trí đang thiếu hụt và có nhu cầu cần đào tạo. Thế nhưng, sau khi trở về quê hương, có những du học sinh tốt nghiệp loại ưu, với học vị là tiến sĩ, thạc sĩ nhưng vẫn cầm đơn đi xin việc.

Ngăn dòng "chảy máu"chất xám

Gần 10 năm trở về quê hương sau khi kết thúc khoá học tại nước ngoài, những du học sinh của Ðề án Mekong 1000 giờ vẫn còn trăn trở, thấp thỏm khi làm việc chưa phù hợp với trình độ đào tạo. Họ đều có chung mong muốn là được cống hiến hết phần năng lực, kiến thức đã học để phục vụ quê hương. Song, môi trường làm việc tại tỉnh Cà Mau hiện nay vẫn còn những bất cập, khiến một số người lựa chọn phương án hoàn lại chi phí đào tạo; một số khác chấp nhận làm việc tại tỉnh với vị trí chưa đúng với chuyên môn, ngành nghề được đào tạo. Từ đó, rất cần những giải pháp kịp thời, nhằm ngăn dòng "chảy máu" chất xám.

Nhiêu khê đòi lại tiền chuyển khoản... nhầm - Bài cuối: Trách nhiệm của ngân hàng và người nhận nhầm

Tiền chuyển nhầm là tài sản của người khác, không phải của người nhận. Do đó, người nhận tiền chuyển nhầm có nghĩa vụ hoàn trả lại cho người chuyển để tránh gặp rủi ro về pháp lý. Nếu cố tình chiếm hữu, sử dụng số tiền này, sau khi đã nhận được thông báo từ phía ngân hàng (NH) thì tuỳ theo tính chất, mức độ, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiêu khê đòi lại tiền chuyển khoản... nhầm

Thời gian gần đây, tình trạng nhận tiền chuyển khoản nhầm từ người khác mà không chịu trả lại đang ngày càng trở nên phổ biến. Ðiều này khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí bị lừa đảo. Theo quy định của pháp luật, người nhận tiền chuyển khoản nhầm có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đó cho người chuyển nhầm. Nếu người nhận cố tình không trả lại tiền thì có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài cuối: Tết ở Trường Sa

Khi đã dần quen với nhịp điệu của sóng gió Trường Sa, chúng tôi hoà mình vào cuộc sống nơi đây với nhịp điệu đón tết Giáp Thìn rộn rã vui tươi cùng với quân dân trên đảo. Anh em đoàn công tác, nhất là những người lần đầu đến với Trường Sa đều tâm đắc: “Đây quả là một cái Tết đặc biệt, Tết đến sớm hơn giữa biển đảo thiêng liêng của đất trời Tổ quốc”.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài 4: Trường Sa sừng sững, hiên ngang

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: “Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, quân và dân trên quần đảo Trường Sa đã trở thành chỗ dựa tin cậy, vững chắc, góp phần vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc, thắt chặt thêm mối quan hệ máu thịt quân - dân, đất liền - biển đảo. Các lực lượng trên đảo cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất để ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt tại ngư trường Trường Sa an toàn, hiệu quả”.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài 3: Bản hùng ca Trường Sa

Trong hải trình đến với Trường Sa, chúng tôi lặng người xúc động khi tham dự nghi thức thiêng liêng, ý nghĩa tưởng niệm, vinh danh và tri ân 64 anh hùng, liệt sĩ đã xả thân mình để bảo vệ lá cờ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma.