ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-3-24 21:03:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tấm lòng ông Năm Nhựt

Báo Cà Mau (CMO) "Ở Phường 6 có ông Năm Nhựt hiến đất xây dựng trường mầm non, hỗ trợ tiền xây dựng phòng học cho lớp học tình thương, tính ra bạc tỷ", thông tin từ ông Lý Văn Sua, Phó chủ tịch Hội Khuyến học TP Cà Mau, khiến tôi tò mò và háo hức tìm gặp.

Tuổi đã 77 nhưng ông Năm còn rất minh mẫn. Đề cập đến chuyện hiến đất xây trường, ông chia sẻ: “Hồi đó mình đi học hết sức khó khăn, hết lớp 5 là nghỉ. Muốn học tiếp phải lên tận Bạc Liêu hoặc Sóc Trăng mới có trường. Bây giờ có điều kiện, thôi thì ráng giúp đỡ các cháu nhỏ học hành đàng hoàng. Thời buổi khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, không có kiến thức thì ra đời sẽ bị thua thiệt”.

Ông Năm Nhựt thường xuyên tới thăm lớp học tình thương.

Rồi ông kể, trường Mẫu giáo Sơn Ca 3 nằm trong khuôn viên Nhà thờ Bảo Lộc (nay là Nhà thờ Cà Mau), trên đường Lý Thường Kiệt, Phường 6. Hồi ấy, trường đã xuống cấp, mưa là ngập nước, các cháu nhỏ không học được. Địa phương có ý định xây dựng lại trường. Thấy chỗ nơi chật hẹp, ông đề xuất dời ra bên ngoài, ông hiến mặt bằng xây dựng. Và ngôi trường mầm non mang tên Trúc Xanh ra đời, toạ lạc tại Đường 3/2, Phường 6, TP. Cà Mau.

Phòng khách nhà ông vẫn còn treo trang trọng bằng khen của UBND tỉnh về thành tích hiến đất xây trường. Tổng diện tích đất hiến là 1.500 m2, mà theo ông Lương Văn Yến (Chủ tịch Hội Khuyến học Phường 6), khi đó (năm 2014) được định giá hơn 1 tỷ đồng.

Ông Năm Nhựt vui vẻ cho biết, trường rộng rãi, điều kiện dạy dỗ tốt, hồi đó khi trường còn trong khuôn viên nhà thờ chỉ dạy được 50-60 cháu, giờ có gần 500 cháu, trường chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Ông Lương Văn Yến cho biết thêm, trường THCS Võ Thị Sáu (Đường 3/2, kề bên trường Mầm non Trúc Xanh), ngôi trường thuộc tốp đầu về chất lượng của TP. Cà Mau, cũng xây dựng trên phần đất của ông Năm Nhựt.

Cũng như trường Mẫu giáo Sơn Ca 3, trường THCS Võ Thị Sáu lúc trước nằm trong khuôn viên Nhà thờ Cà Mau. Mùa mưa nước ngập từ sân vô lớp, học trò ngồi học phải co chân lên ghế. Chính quyền cũng định xây dựng lại trường. Thấy diện tích đất trong nhà thờ nhỏ, không thể mở rộng, mà xu thế bấy giờ xây trường phải đảm bảo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Thấy đất đai còn nhiều, ông Năm Nhựt kêu ra phần đất của ông để xây dựng.

Theo ông Ba Yến, khi ấy Nhà nước trả theo khung giá đất nông nghiệp nên 10 công đất làm mặt bằng xây dựng trường THCS Võ Thị Sáu chẳng được là bao. Ông Năm Nhựt bảo: “Tôi cũng không quan tâm tới giá cả, chủ yếu có chỗ để các cháu nhỏ học hành cho đàng hoàng là mừng rồi…”.

Tôi nhẩm tính, trị giá lô đất này hiện nay cũng vài chục tỷ đồng, ông Năm Nhựt không hề tỏ ra nuối tiếc. Ông trải lòng: “Trường rộng mênh mông, đạt chuẩn quốc gia rồi. Hằng ngày thấy các cháu đến trường học hành đông đúc, trường lại dạy có chất lượng, vậy là mình thấy mãn nguyện”.

Gần Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau (đường Hải Thượng Lãn Ông, Khóm 6, Phường 6) có lớp học tình thương. Điều đặc biệt là 2 mùa học nay lớp học này được “sở hữu” phòng học riêng, khang trang, sạch đẹp. Câu chuyện về lớp học thì dài dòng, nhưng để “nuôi lớn” lớp học ai cũng biết công sức, tiền của ông Năm Nhựt bỏ ra không hề nhỏ.

Đây là lớp học do Nhà thờ Cà Mau mở để dạy chữ cho trẻ em nghèo. Hơn mười mấy năm hình thành, lớp phải học bạ, học đậu nhiều nơi. Cách đây mấy năm, ông Năm Nhựt bỏ tiền túi mỗi tháng 1 triệu đồng để thuê nhà dân gần Cống Đôi (Phường 6) để duy trì lớp. Thấy điều kiện học hành của các cháu tạm bợ, phòng học thì mưa tạt, gió lùa, nay dời mai đổi, sẵn nhà thờ có nền đất, đường lại được Nhà nước mở rộng, ông bàn bạc mượn nền và bỏ tiền túi ra 200 triệu đồng để xây dựng 2 phòng học khang trang cho lớp.

“Tôi làm cầu vệ sinh, làm hệ thống cấp thoát nước đàng hoàng. Mỗi ngày nhờ ông Từ ở Nghĩa trang Công giáo tới giúp việc bơm nước, dọn vệ sinh cho lớp”, ông Năm Nhựt phấn khởi thông tin thêm.

Rồi năm nào ông Năm cũng bỏ tiền ra hỗ trợ cho các trò, từ gạo ăn, tập vở... Hằng ngày, ông thường xuyên qua lại thăm lớp. Cô giáo báo thiếu thốn gì, phần nào nhà thờ không hỗ trợ được thì ông bỏ tiền ra lo. Ông “khoe”: “Năm nay lớp được tới 60-70 cháu lận đó. Cứ sợ dời lại địa điểm mới hơi xa, các cháu không đi học, ai ngờ đông hơn năm trước”.

Ông Năm Nhựt tên đầy đủ là Nguyễn Văn Nhựt, sinh ra và lớn lên trên quê hương Cà Mau. 77 năm qua, ông vẫn sống ngay trên mảnh đất của gia đình tại Khóm 2, Phường 6. Hồi đó xứ ông ở làm nông. Gia đình ông có đến mấy chục công đất ruộng do ông bà khai phá. Trải bao vật đổi sao dời, nhiều người tứ tán, đất đai bán chát, ông vẫn bám đất, bám vườn.

Sau giải phóng, đời sống ông còn nhiều khó khăn. Ngoài làm ruộng, trồng cây ăn trái, nuôi cá, ông còn phải chạy xe đò và làm thuê nhiều nghề để nuôi 7 người con. Kiên trì, năng động, nhạy bén, giỏi tính toán, ông nắm bắt nhiều cơ hội mua bán làm ăn, nhờ đó đời sống kinh tế ngày càng phát triển.

Giờ đây con cái ông trưởng thành, cuộc sống đều ổn định. Người con trai sống chung ông có đến mấy chục xe tải mang tên Trang Khanh chở hàng hoá tuyến đường Bắc Nam, vì vậy mà giờ tuổi cao ông không còn vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền. Ông không chỉ góp phần giúp bà con trong họ đạo mà còn làm rất nhiều việc giúp đời.

Nhà ông ở gần Phòng khám Đa khoa Hồng Đức. Sáng sáng, chủ quán nước kế phòng khám khi dọn bàn biết ý, bao giờ cũng kê thêm 1 bàn bên sân nhà ông. Mươi phút sau, bàn đó có mặt đông đủ, từ cán bộ phường, cán bộ Khóm 2, vài người là công chức, viên chức các ngành tỉnh, thành phố trú trên địa bàn... Dĩ nhiên là có mặt ông và bao giờ ông cũng “khuyến mãi” thêm bình trà đặc biệt.

Câu chuyện rôm rả, từ chuyện trong nước, ngoài nước đến chuyện phố phường. Vì vậy mà trên địa bàn, ai làm ăn khá giả, ai gương mẫu, ai hoàn cảnh khó khăn, ông đều biết hết. Những hoàn cảnh ngặt nghèo phường, khóm không giúp nổi thì ông tiếp tay vào. Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở phường vận động không đủ, mấy anh cán bộ phường cũng tới “cầu cứu” ông. Thiếu 15 triệu đồng ông cho 15 triệu đồng, thiếu 20 triệu đồng ông cho 20 triệu đồng, đó là chuyện thường, ông không so tính.

Ông bảo: “Mình tiếp một chút mà tạo được điều kiện cho cán bộ địa phương làm việc dễ dàng, trôi chảy, mang lại lợi ích cho dân thì tiếp vào”. Nhà nghèo, ma chay không tiền xoay xở, ông cũng giúp. Ngày Tết, ngày rằm, ông cho hộ nghèo hàng tấn gạo. Tính chung, mỗi năm ông làm từ thiện cả trăm triệu đồng.

Trên địa bàn khóm, mấy năm qua, từ Dự án LIA, nhiều tuyến lộ hẻm được đầu tư xây dựng. Quá trình thi công, có một số hộ không chịu di dời, đòi bồi thường. Khóm, phường không thuyết phục được cũng nhờ ông. Ông nói: “Mình phân tích cho họ thấy cái lợi, cái hại... Vậy là họ đồng ý”. Ông là cố vấn họ đạo, hiểu tâm lý bà con giáo dân nên dễ thuyết phục.

Và mấy tháng nay, ông vừa làm một chuyện mà bà con trong phường coi là “hy hữu”: bỏ tiền bồi thường để làm lộ, khi không “dính dáng” gì đến mình.

Chị Tạ Bích Thuỷ, nguyên Bí thư Chi bộ Khóm 2, Phường 6, kể: Nằm song song phía sau dãy nhà đường Lý Thường Kiệt có con kinh thuỷ lợi, ngày xưa dùng để lấy nước phục vụ sản xuất, giờ nó đã kết thúc vai trò lịch sử, chỉ là nơi chứa rác của các hộ gia đình tuôn xuống. Nước thối đen ngòm, là nơi trú ẩn của bao nhiêu ruồi muỗi, vừa ô nhiễm môi trường, vừa là mầm mống gây bệnh tật. Nhà nước đồng ý làm lộ nhưng với điều kiện người dân hai bên kinh tự nguyện tháo dỡ chướng ngại vật cản trở mà không có nguồn bồi hoàn.

Công trình vướng phải phần nhà một hộ dân. Ban đầu hộ này đòi bồi thường 30 triệu đồng, thấy họ nghèo, ông xung phong bỏ ra 30 triệu đồng bồi hoàn để tuyến đường được xây dựng. Tuy nhiên, sau đó hộ này đòi lên 100 triệu đồng, ông đồng ý. Vẫn chưa xong, vừa rồi hộ này lên phường yêu cầu bồi thường 120 triệu đồng. Thấy thật vô lý, nhưng không di dời thì công trình không được thực hiện. Đây là Dự án LIA, nếu không tiến hành, biết khi nào mới có cơ hội, nghĩ vậy ông đồng ý luôn.

“Làm được con đường này lợi biết bao nhiêu, vừa tránh được ô nhiễm, bệnh tật; các hộ sống bên trong cũng có đường sá đi lại, đất đai cũng có giá trị... Tiền thì tôi đã chuẩn bị sẵn. Nghe nói quý IV khởi công, khi nào tiến hành là giao tiền”, ông cho biết.

Gạn hỏi ông, có biết bao người rất giàu có nhưng không dễ gì bỏ ra đồng bạc để giúp cộng đồng, xã hội, ông triết lý đơn giản và chắc nịch rằng: “Có tiền mà không giúp xã hội, giúp cộng đồng thì đồng tiền của mình cũng không có ý nghĩa gì”.

Trang Anh

Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài 2: Nhiều cách làm hay

Những năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực của địa phương, nhiều công trình phòng, chống sạt lở bờ biển của tỉnh đã được triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở gây ra.

Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài 1: Hiểm hoạ đe doạ cuộc sống

Hàng loạt những giải pháp kè từ vật liệu địa phương, kè bản nhựa, cho đến kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè đá đổ, kè áp bờ... đã được triển khai trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều khó khăn.

Ngăn dòng "chảy máu" chất xám - Bài cuối: Cần cơ chế "giữ chân" nhân tài

Trong tổng số 107 ứng viên tốt nghiệp về nước, có 28 trường hợp đã xin thôi việc, nghỉ việc, chuyển công tác và 10 trường hợp bồi hoàn kinh phí đào tạo. Con số này cho thấy nguồn nhân lực mà tỉnh đào tạo đã biến động tiêu cực. Ngay thời điểm này cần có những cơ chế đặc thù để thu hút và giữ chân nhân tài, phục vụ cho sự phát triển, nhất là những mục tiêu mang tầm chiến lược trong tương lai.

Ngăn dòng "chảy máu"chất xám - Bài 2: Ðừng để "chùn bước" tại quê nhà

Chương trình Ðề án Mekong 1.000 triển khai tại các tỉnh, thành phố được các địa phương chọn lựa ứng viên đưa đi đào tạo theo vị trí đang thiếu hụt và có nhu cầu cần đào tạo. Thế nhưng, sau khi trở về quê hương, có những du học sinh tốt nghiệp loại ưu, với học vị là tiến sĩ, thạc sĩ nhưng vẫn cầm đơn đi xin việc.

Ngăn dòng "chảy máu"chất xám

Gần 10 năm trở về quê hương sau khi kết thúc khoá học tại nước ngoài, những du học sinh của Ðề án Mekong 1000 giờ vẫn còn trăn trở, thấp thỏm khi làm việc chưa phù hợp với trình độ đào tạo. Họ đều có chung mong muốn là được cống hiến hết phần năng lực, kiến thức đã học để phục vụ quê hương. Song, môi trường làm việc tại tỉnh Cà Mau hiện nay vẫn còn những bất cập, khiến một số người lựa chọn phương án hoàn lại chi phí đào tạo; một số khác chấp nhận làm việc tại tỉnh với vị trí chưa đúng với chuyên môn, ngành nghề được đào tạo. Từ đó, rất cần những giải pháp kịp thời, nhằm ngăn dòng "chảy máu" chất xám.

Nhiêu khê đòi lại tiền chuyển khoản... nhầm - Bài cuối: Trách nhiệm của ngân hàng và người nhận nhầm

Tiền chuyển nhầm là tài sản của người khác, không phải của người nhận. Do đó, người nhận tiền chuyển nhầm có nghĩa vụ hoàn trả lại cho người chuyển để tránh gặp rủi ro về pháp lý. Nếu cố tình chiếm hữu, sử dụng số tiền này, sau khi đã nhận được thông báo từ phía ngân hàng (NH) thì tuỳ theo tính chất, mức độ, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiêu khê đòi lại tiền chuyển khoản... nhầm

Thời gian gần đây, tình trạng nhận tiền chuyển khoản nhầm từ người khác mà không chịu trả lại đang ngày càng trở nên phổ biến. Ðiều này khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí bị lừa đảo. Theo quy định của pháp luật, người nhận tiền chuyển khoản nhầm có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đó cho người chuyển nhầm. Nếu người nhận cố tình không trả lại tiền thì có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài cuối: Tết ở Trường Sa

Khi đã dần quen với nhịp điệu của sóng gió Trường Sa, chúng tôi hoà mình vào cuộc sống nơi đây với nhịp điệu đón tết Giáp Thìn rộn rã vui tươi cùng với quân dân trên đảo. Anh em đoàn công tác, nhất là những người lần đầu đến với Trường Sa đều tâm đắc: “Đây quả là một cái Tết đặc biệt, Tết đến sớm hơn giữa biển đảo thiêng liêng của đất trời Tổ quốc”.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài 4: Trường Sa sừng sững, hiên ngang

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: “Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, quân và dân trên quần đảo Trường Sa đã trở thành chỗ dựa tin cậy, vững chắc, góp phần vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc, thắt chặt thêm mối quan hệ máu thịt quân - dân, đất liền - biển đảo. Các lực lượng trên đảo cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất để ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt tại ngư trường Trường Sa an toàn, hiệu quả”.

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài 3: Bản hùng ca Trường Sa

Trong hải trình đến với Trường Sa, chúng tôi lặng người xúc động khi tham dự nghi thức thiêng liêng, ý nghĩa tưởng niệm, vinh danh và tri ân 64 anh hùng, liệt sĩ đã xả thân mình để bảo vệ lá cờ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma.