ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-3-24 12:48:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những chiến sĩ giữ rừng mùa nắng cháy

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày này, tại nhiều cánh rừng tràm U Minh Hạ, lượng nước trên kênh, mương đã khô cạn, tiềm ẩn nguy cơ cháy bất cứ lúc nào. Trong khi đó, dự báo của cơ quan chức năng, thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài vài tháng nữa. Bởi thế, các đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tràm, canh cánh nỗi lo và nêu cao quyết tâm giữ rừng an toàn.

Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 40 ngàn héc-ta rừng tràm, phân bổ ở 3 huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình. Có 6 đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và sản xuất rừng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau được giao quản lý, bảo vệ hơn 1.300 ha rừng, trong đó, hơn 2/3 diện tích rừng từ 12-15 năm tuổi, dưới chân rừng, lớp thực bì khá dày, nguy cơ cháy rất cao. Diện tích rừng do đơn vị quản lý tiếp giáp với nhiều khu dân cư thuộc xã Khánh Lâm, Nguyễn Phích, huyện U Minh - nơi có nhiều hộ sống bằng nghề lấy mật ong. Theo Đại uý Nguyễn Văn Khoa, Trưởng Ban Quản lý bảo vệ rừng của đơn vị, cho biết: “Đơn vị được UBND tỉnh Cà Mau giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng từ năm 2012. Từ đó đến nay, đơn vị luôn giữ rừng an toàn. Tuy nhiên, mùa khô năm nay, nước trong rừng đã khô cạn từ trước Tết Nguyên đán, lớp thực bì dưới chân rừng khô bong, rất dễ cháy nên đơn vị luôn duy trì nghiêm ca kíp trực các chòi canh và đi tuần tra để bảo vệ rừng”.   

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra tình hình khô hạn tại Tiểu khu 33 (do đơn vị quản lý, bảo vệ).

Thực hiện kế hoạch phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2020 của UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau đã phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm và các chủ rừng tổ chức tập huấn công tác phòng chống cháy, vận hành phương châm 4 tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ. Song song đó, đơn vị đã vận động bà con sống quanh khu vực rừng cam kết cùng bảo vệ rừng.  

Được biết, ngay sau khi tiếp nhận diện tích rừng tràm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau bố trí lực lượng canh giữ 8 chốt, xây dựng 8 thang canh lửa và đầu tư các phương tiện, thiết bị như vỏ lãi, máy bơm, ống dẫn nước, thiết bị chuyên dụng… đủ sức bảo vệ rừng.

Ngoài ra, mùa khô hàng năm, Bộ Chỉ huy luôn trang bị bổ sung các phương tiện, thiết bị phòng chống cháy, đồng thời đặt biển cảnh báo cấp độ cháy, gắn biển thông báo cấm lửa, cấm người không có trách nhiệm vào rừng; Tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ canh lửa, luồn rừng tuần tra nhằm quản lý chặt chẽ người ra vào rừng, hạn chế nguy cơ cháy rừng.

 Thượng tá Đặng Văn Nghề, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Những mùa khô vừa qua, diện tích rừng do Bộ Chỉ huy Quân sự quản lý giữ được an toàn là nhờ Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy luôn quan tâm, đầu tư kịp thời, đồng bộ các phương tiện. Và ngay khi mùa mưa kết thúc, đơn vị huy động bộ đội dọn vệ sinh chân rừng, làm đường băng tránh cháy lây lan. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm giữ rừng, trong đó, những tháng mùa khô quân số duy trì trực 24/24”.

Tại Tiểu khu Kênh Đứng và Tiểu khu 29, 500, bước chân chúng tôi đi lạo xạo trên lớp thực bì, gồm dây choại, cỏ, sậy và lá tràm dày hơn 5 tấc. Tất cả đều khô bong, chỉ cần một tàn thuốc rơi xuống là ngọn lửa bùng phát. Chiến sĩ Nguyễn Minh Nguyên, quê ở huyện Đầm Dơi, kể: “So với mùa khô năm 2019, mùa khô năm nay trời ngưng mưa sớm hơn và nắng gay gắt hơn. Bởi vậy, mực nước trong kênh rút khô rất nhanh”. Chiến sĩ Lê Hoàng Tâm, quê ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh, bộc bạch: “Khi còn ở nhà, nhiều mùa khô em đã tham gia trong đội tuần tra, bảo vệ rừng của xã. Lúc đứng trên chòi canh lửa, em luôn căng mắt nhìn bao quát địa bàn, nhằm phát hiện kịp thời các điểm phát khói, sau đó thông báo khẩn cấp cho đơn vị, hoặc đơn vị bạn dập lửa”.

Những năm qua, công tác huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau luôn được tổ chức vào mùa khô. Năm nay cũng vậy. Điểm tổ chức huấn luyện luôn là Vồ Dơi - khu rừng đặc dụng nguyên sinh (thuộc địa phận huyện Trần Văn Thời) và khu rừng tràm do Bộ Chỉ huy Quân sự Cà Mau quản lý, bảo vệ. Trong thời gian huấn luyện, 2 địa bàn này luôn có mặt hàng trăm lực lượng học tập, rèn luyện, đồng thời góp sức bảo vệ rừng những ngày khô hạn./.

Quỳnh Mai

Chi phí cao - Gánh nặng cho người học lái xe

Thời điểm này, để sở hữu giấy phép lái xe (GPLX) hạng B1, B2, người học phải đóng phí đào tạo trọn gói 13 triệu đồng, và 15 triệu đồng đối với GPLX hạng C. Riêng đối với người học dịch vụ, phải đóng thêm khoản phí 4 triệu đồng. Nhiều học viên cho rằng đây là số tiền không nhỏ, vì thực tế khi vào học sẽ có nhiều khoản phí phát sinh.

Từ giảng đường đến trường học lớn

Đợt tuyển quân năm nay, Trung đoàn 896, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau tiếp nhận 70 tân binh, trong số đó có 4 tân binh đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Các tân binh đến từ nhiều miền quê khác nhau trong tỉnh, với những nét riêng biệt trong tính cách, sinh hoạt, nhưng gặp nhau ở điểm chung, đó là lứa tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống, với lòng nhiệt huyết cháy bỏng của tuổi trẻ, luôn khát khao cống hiến, phục vụ lâu dài trong quân đội.

Vi phạm nhỏ, nguy cơ to

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, những hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông như: đi ngược chiều, sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện giao thông, là những lỗi khá phổ biến. Mức xử phạt đối với lỗi vi phạm này khá thấp, thế nên một bộ phận người tham gia giao thông gần như “lờn” luật, vi phạm ở mức độ thường xuyên. Ðây là hành vi vi phạm tưởng chừng nhỏ, thế nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, khi đó hệ luỵ để lại khá lớn.

Chủ động phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông

Bờ biển tỉnh Cà Mau, ngoài chịu tác động của gió do bão, áp thấp nhiệt đới, còn phải chịu ảnh hưởng rất lớn của gió mùa Tây Nam kéo dài nhiều ngày trong năm. Tác động của gió do bão, áp thấp nhiệt đới và các đới gió mùa gây ra hiện tượng nước dâng và những cơn sóng lớn tác động trực tiếp gây sạt lở bờ biển, bờ sông, nhất là đối với vùng cửa sông, ven biển.

Ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng

Thời gian qua, Vườn Quốc gia U Minh Hạ quan tâm ứng dụng khoa học - công nghệ để giảm sức người, nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, hệ thống Poacher Cam (camera chuyên dụng quản lý đối tượng ra vào rừng) là một trong số giải pháp đang phát huy hiệu quả.

Hòn Hàng mùa biển lặng

Trên vùng biển Tây Cà Mau, ngoài đảo Hòn Chuối, hòn Ðá Bạc, ít ai biết đến Hòn Hàng (còn được gọi với cái tên khác là Hòn Buông). Hòn Hàng nằm ở 8053' vĩ độ Bắc và 104034' kinh độ Ðông, đây là đảo đá hình thành muộn.

Kiểm tra liên ngành đảm bảo an toàn giao thông

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trên địa bàn.

Năm 2024: Kiểm tra nồng độ cồn là nhiệm vụ trọng tâm

Báo Cà Mau phỏng vấn ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, xung quanh việc triển khai công tác này năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Họp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2024) và 35 năm Ngày “Biên phòng toàn dân” (3/3/1989-3/3/2024), chiều 3/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức gặp mặt cán bộ BĐBP tỉnh nghỉ hưu qua các thời kỳ và đại diện Ban Liên lạc truyền thống BĐBP tỉnh.

Phát huy truyền thống Bộ đội Biên phòng

“Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Trong những năm qua, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp chặt chẽ với Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh Cà Mau lãnh đạo, chỉ đạo BĐBP tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Đặc biệt là các hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân” được tổ chức thường xuyên, rộng khắp trên tuyến biên giới biển với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, thiết thực. Có thể nói, Cà Mau là một trong những tỉnh tiêu biểu nhất, trong đó Bộ Tư lệnh BĐBP đánh cao những kết quả mà Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đạt được”, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP, đánh giá.