02/07/2020 10:32
Phát biểu khai mạc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngay từ những tháng đầu năm 2020, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn,… gây thiệt hại lớn. Đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá vượt xa khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009.
Cụ thể như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 cả nước giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ. Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 697,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký. Qua đó, tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống của Nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài: Chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đã nhanh chóng chuyển trọng tâm thực hiện “mục tiêu kép” - vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tranh thủ thời cơ, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế; kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 trong “trạng thái bình thường mới”.
Từ những nỗ lực đó, nền kinh tế của Việt Nam không bị rơi vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%, dù là mức thấp nhất 10 năm qua nhưng là mức tăng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. An ninh năng lượng và an ninh lương thực được quan tâm chỉ đạo, bảo đảm cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng vẫn dành nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin, truyền thông được triển khai phù hợp đã góp phần động viên, cổ vũ, khơi dậy truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào dân tộc. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp;…
Sản lượng lúa của tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.
Từ nhận định trên Thủ tướng yêu cầu trong hội nghị này các bộ, ngành, trung ương cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước tập trung tìm giải pháp để thúc đẩy các lĩnh vực trọng tâm, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh và hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quy mô lớn tạo sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế; kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2020; điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;…
Nguyễn Phú
(CMO) Chiều 13/1, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau tiến hành trao Quyết định về việc nghỉ công tác chờ đủ ...